Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP.Hà Nội.
Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), với tổng diện tích đất là 299,45 ha (giai đoạn 1: 179,1 ha, giai đoạn 2: 120,35 ha). Tổng mức đầu tư là 6.338 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã cổ phiếu VCG), với mức vốn góp là 1.268 tỷ đồng.
|
Tòa nhà Vinaconex. |
Về Vinaconex được thành lập năm 1988, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài. Năm 1995, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 992 về việc thành lập lại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam trong đó chuyển một số đơn vị trực thuộc Bộ sang trực thuộc Tổng công ty. Đến năm 2006, doanh nghiệp này chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Năm 2008, cổ phiếu của Tổng công ty chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã VCG. Năm 2018, thực hiện chủ trương của Chính phủ, hoàn tất việc thoái vốn toàn bộ tại Tổng Công ty. Vinaconex chính thức trở thành doanh nghiệp không còn vốn nhà nước.
|
Một dự án của Vinaconex. |
Kinh doanh bất động sản là một trong hai lĩnh vực kinh doanh then chốt của Vinaconex, ngoài dự án khu công nghiệp (KCN) 6.300 tỷ đồng ở Đông Anh, Vinaconex đang quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 (Hà Nội) với quy mô 270,8 ha. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinaconex, Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 đạt tỷ lệ lấp đầy 33%. Vinaconex hiện đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại khu vực này vào cuối năm 2024.
Vinaconex cũng triển khai dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với quy mô 72,5 ha. Dự kiến dự án này được triển khai trong quý IV/2024 và đưa vào khai thác giai đoạn 2025 - 2026.
Bên cạnh đó, Vinaconex còn đầu tư đa dạng các phân khúc bất động sản dân dụng (khu dân cư, khu đô thị và chung cư) và bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tận dụng lợi thế vốn có trong lĩnh vực xây lắp.
Hiện quỹ đất phục vụ mục đích nhà ở và dân dụng của doanh nghiệp này đã lên đến 2.000 ha, tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh.
Phần lớn các dự án của Vinaconex đang trong quá trình triển khai, nổi bật là hai dự án Chung cư Green Diamond (Hà Nội) và một phần của dự án Amatina Cát Bà (Hải Phòng).
|
Phối cảnh dự án Chung cư Green Diamond (Hà Nội). |
Trước đó, ngày 18/1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng Vinaconexvà Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, tập trung vào hai dự án Cầu Tứ Liên và Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Metro số 5).
Vinaconex cũng là nhà thầu trong nước duy nhất góp mặt trong 3/4 liên danh trúng thầu tại các gói thầu có giá trị lớn là 5.10, 4.6 và 3.4. của “siêu” dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.