Giữa cái nắng oi ả của tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà ông Châu để được tận mắt chiêm ngưỡng khu rừng sưa đỏ quý giá của ông. Trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào bản Mòn, dừng hỏi đường vào nhà ông mấy đứa trẻ đang nô đùa ai nấy đều chen vai nhanh tay chỉ hướng. Ông Châu là người hiền lành, cần cù, chịu khó, sống đoàn kết với mọi người nên được bà con dân bản quý mến biết đến.
|
Ông Lèo Văn Châu đi thăm rừng sưa đỏ của mình. |
Tới nơi, thấy ông Châu dáng người hiền lành, da ngăm đen vì cháy nắng, giọng nói dõng dạc, đôi chân nhanh nhẹn, đang bận rộn với công việc chăm sóc những bầu cây giống Sa Chi chuẩn bị hạ xuống đất trồng. Thấy chúng tôi gạn hỏi muốn được thăm quan rừng sưa đỏ, ông tặc lưỡi đứng dậy phủi tay, không chút ngần ngại dẫn ngay chúng tôi sang quả đồi trước nhà để xem.
Vừa đi ông vừa chỉ trỏ kể chuyện về quãng thời gian cây sưa đỏ được trồng trên mảnh đất của ông. Ông kể rằng: "Rừng sưa đỏ này tôi trồng cách đây gần 10 năm. Thời điểm đó, tôi cũng không hề hay biết cây sưa lại có giá trị đến như vậy. Ban đầu xem qua xem tivi, nghe đài, thấy nói sưa là cây gỗ quý nên tôi tò mò tìm giống về trồng thử. Được mọi người mách tại khu nhà máy giấy cũ (nay đã giải thể) gần thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn) có vườn ươm loại giống cây này. Tôi liền đi mua một lúc 800 cây về trồng, mỗi cây giống khi đó chỉ lớn bằng ngón tay."
“Do thiếu kinh nghiệm trồng và kỹ thuật chăm sóc loại cây này nên khi trồng xuống đất, cây bị chết gần một nữa, hiện chỉ còn hơn 400 cây sống và phát triển ở khu đất rộng gần 2ha của gia đình. Những cây còn sống giờ đều đã to bằng bắp đùi người lớn, nhiều cây có lõi đỏ chót to bằng bắp tay”, ông Châu nói.
Sưa đỏ được đánh giá là là một trong những loại cây gỗ quý bậc nhất, giá bán đắt như vàng. Thế nên thời gian qua, tại khu rừng sưa của ông Châu có rất nhiều người đến thăm quan và gạ mua, nhưng ông không bán vì ông muốn giữ lại khu rừng sưa này cho con cháu đời sau. Và cũng là để cây phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.
Ông Châu nói rằng, trước đây vùng này toàn rừng là từng, trong rừng có nhiều cây gỗ quý như: nghiến, đinh, lát… có những cây gỗ to đến vài người ôm không xuể. Nhưng do cuộc sống mưu sinh, bị cái đói, cái nghèo rình rập, mà người dân trong bản đã phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà… Bây giờ, nhìn đâu cũng chỉ thấy đồi núi trọc lốc, nắng cháy, không lấy một bóng cây. Vì thế tôi luôn ấp ủ trồng cây gây rừng, để có những cánh rừng xanh tỏa bóng mát.
Quá trình trồng sưa đỏ đã cho ông Châu nhiều kinh nghiệm, “Cây sưa phát triển tự nhiên, không phải chăm bón gì, khi nào thấy cây biểu hiện bị bệnh sâu đục thân thì xử lý bệnh cho cây, nếu không cây sẽ chết. Cách phòng tốt nhất là dùng vôi trắng bôi quanh thân cây hoặc bơm thuốc vào vết sâu đục cho sâu chết.
Theo ông Châu, trồng cây không biết đến khi nào mới có hiệu quả kinh tế, nên để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống gia đình, dưới tán xưa ông Châu trồng xen các loại cây ăn quả, nào là cà phê, mận, xoài, nhãn… cách này không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây sưa mà vẫn tạo ra thu nhập. Ngoài ra, để tiện chăm sóc và bảo vệ khu rừng sưa đỏ ông Châu dựng một ngôi nhà sàn nhỏ làm trang trại ở luôn tại chỗ.
Ngoài việc trồng cây ăn quả dưới tán sưa, ông còn lên những quả đồi hoang để khai khẩn trồng thêm cây ngô, cây mía, chăn nuôi lợn, gà... kết hợp với ươm cây giống để bán cho bà con trong vùng. Ước tính thu nhập của gia đình được vài trăm triệu mỗi năm. Kinh tế gia đình ổn định lại càng tiếp thêm động lực cho ông Châu giữ gìn và bảo vệ rừng sưa đỏ của mình.