Kiểm toán NN chuyển cơ quan CSĐT 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm

Google News

Đây là 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết.
 

Kiem toan NN chuyen co quan CSDT 5 vu viec co dau hieu vi pham
 Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc
Gửi báo cáo công tác năm 2020 đến Quốc hội, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Cụ thể, được chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an là vụ việc về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Được chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán nhà nước cũng gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đã cung cấp 97 bộ tài liệu (báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan) cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát, trong đó cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương 37 tài liệu; Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội 31 tài liệu; Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an 19 tài liệu...
Đánh giá chung về kết quả, Tổng kiểm toán cho biết, trong 9 tháng đầu năm, KTNN đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 với kết quả xử lý tài chính là 81.095 tỷ đồng. Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 30/9/2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng.
KTNN cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí. Kế hoạch kiểm toán năm 2020 được xây dựng chủ động, minh bạch, điều chỉnh linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra.
Về phương hướng năm 2021, Tổng kiểm toán cho biết sẽ tổ chức kiểm toán đối với các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm: Việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 08/4/2020; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019; quản lý giá điện, giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm…
Theo An Nguyên/Báo đầu tư

>> xem thêm

Bình luận(0)