Dự án Hinode City chưa nghiệm thu đưa đã đưa dân vào ở
Vừa qua, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa có văn bản thông tin về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (tên thương mại là Hinode City).
Theo đó, Cục khẳng định, đến nay dự án Hinode City do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư chưa được nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng theo quy định.
|
Dự án Hinode City chưa được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp nhận kết quả nghiệm thu, hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng. Ảnh: Báo pháp luật. |
Đến ngày 17/3/2020, Cục Giám định có văn bản đôn đốc yêu cầu chủ đầu tư báo cáo việc khắc phục các tồn tại nhưng đến nay chủ đầu tư chưa thực hiện báo cáo theo yêu cầu.
Điều đáng nói là dù chưa có kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng từ cuối năm 2019 chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho khách hàng về ở trái với quy định.
Trước đó, ngày 24/6/2020, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex 103 triệu với các vi phạm về xây dựng. Chủ dự án đã thi công, lắp đặt không đúng thiết kế PCCC được cơ quan chức năng thẩm duyệt; đưa nhà, công trình vào hoạt động khi tổ chức nghiệm thu về PCCC. Thời gian khắc phục vi phạm do Cục CS PCCC & CNCH đã nêu trên là 30 ngày.
Trên thực tế, Hinode City không phải là dự án duy nhất của Vietracimex vướng lùm xùm khiến dư luận dậy sóng.
Dự án Kim Chung - Di Trạch "đắp chiếu"
Dự án Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư từng được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội. Vào thời điểm bất động sản lên ngôi, mỗi mét vuông đất tại dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá tới 50 - 70 triệu đồng/m2.
|
Dự án Kim Chung - Di Trạch bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Vneconomy |
Dự án có diện tích lên tới hơn 170ha nằm trên quốc lộ 32, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Dựa trên ý tưởng tạo dựng một “trái tim đô thị” chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện với môi trường, một trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hát, căn hộ cho thuê, bệnh viện, trường học… đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế, quy mô dân số khoảng 20.000 - 30.000 người. Dự án được khởi công vào cuối năm 2008 với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng .
Tuy nhiên, nhiều năm nay dự án này bị bỏ hoang, phần lớn diện tích để hoang hóa chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng.
Đáng nói, hơn một thập kỷ bị đắp chiếu, thời gian gần đây dự án này bỗng được rao bán ồ ạt, thậm chí từ đầu tháng 11/2020, dự án còn được thổi giá gấp đôi, gấp 3 so với trước đây.
BOT Thăng Long - Nội Bài
Dự án BOT xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc do Công ty CP ВОТ Vietracimex 8 làm nhà đầu tư. Vietracimex 8 là công ty con của Vietracimex.
|
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nằm trong "bộ sưu tập" dự án khủng của Vietracimex. Ảnh: Nhadautu. |
Theo hợp đồng được ký kết với Bộ GTVT, Vietracimex 8 được đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Hà Nội và thu phí từ đầu năm 2011 để hoàn vốn cho dự án ở Vĩnh Phúc, thời gian thu phí là 16 năm 10 tháng 11 ngày.
Tuy nhiên, nhiều người dân bức xúc việc trạm đặt ở Hà Nội mà thu cho đường ở Vĩnh Phúc. Từ ngày 18/12/2018 đến 15/3/2019, nhiều lái xe tiếp tục tụ tập để phản đối việc thu phí trở lại đã bị lực lượng chức năng giải tán.
Trước việc người dân bức xúc, UBND TP Hà Nội từng nhiều lần đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Nhà máy thủy điện Tà Thàng ( Lào Cai) xây dựng không phép?
|
Nhà máy thủy điện hơn 2000 tỷ đồng Tà Thàng (Vietracimex) xây dựng không phép. Ảnh: Tiền phong. |
Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng (Lào Cai) do Công ty CP điện Vietracimex Lào Cai (Công ty thành viên của Tổng Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex) đại diện làm chủ đầu tư.
Theo kết luận thanh tra số 17/KL-TT về việc thanh tra tại Nhà máy thủy điện Tà Thàng (Vietracimex) của Thanh tra tỉnh Lào Cai, nhà máy thuỷ điện Tà Thàng được khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, hoàn thành và phát điện hòa lưới vào tháng 10/2013, công suất lắp máy 60MW, điện lượng bình quân đạt 270 triệu KWh.
Nhà máy được xây dựng tại thôn Tà Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng trong khi đó phần hồ chứa tại thôn Nậm Lang, xã Suối Thầu, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.170 tỉ đồng, cấp giấy chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 20/7/2009 cho công ty Vietracimex Lào Cai và tăng tổng mức đầu tư lên 2.147 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận thay đổi lần 2 vào ngày 15/12/2011 và giấy chứng nhận thay đổi lần ba ngày 3/6/2013.
Theo lãnh đạo thanh tra tỉnh Lào Cai, dự án sai phạm rất lớn trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về lĩnh vực xây dựng cơ bản của dự án vi phạm quy tắc các công trình vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.
Qua kiểm tra, các công trình, vật chất kiến trúc đã xây dựng không có giấy phép xây dựng, không có hồ sơ xin phép xây dựng, do đó vi phạm khoản 2, điều 10 luật xây dựng năm 2003 được sửa đổi 2009 thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.
Công trình không thực hiện kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình theo quy định.