Từ nuôi heo thất bại đến giám đốc HTX
Chị Sơn Thị Lang (46 tuổi, dân tộc Khmer) quê ở Sóc Trăng nhưng sau đó theo chồng về thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ sinh sống. Gia đình có 5 người, vợ chồng chị và 2 con, cùng mẹ già đã 80 tuổi. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của chồng chị thì không đủ chi tiêu nên chị luôn trăn trở phải làm gì để có thêm thu nhập.
Năm 2006, chị Lang tham gia học nghề đan do Hội phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho chị em đồng bào dân tộc. Sau 6 tháng, chị Lang thạo nghề đan đát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình.
Nhận thấy thị trường tiềm năng, năm 2007 chị Lang mở tổ hợp tác sản xuất 3 sản phẩm chính: cơm rượu, dưa muối chua và hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình. Trong đó, nghề đan lục bình là mô hình được chị vô cùng tâm huyết với 20 chị em tham gia.
|
Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Đỏ đã mở 2 lớp dạy nghề đan đát sản phẩm từ lục bình cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương (Ảnh: Bảo Kỳ).
|
Theo lời chị Lang, ấp chị ở có hơn 80% là người dân tộc thiểu số, thu nhập chính là làm nông hoặc làm thuê. Từ lúc nghề đan lục bình được giới thiệu, người này truyền tai người kia nên lớp dạy nghề mới ngày một đông lên. Số lượng học viên có khi lên đến hơn trăm người.
Ngoài lứa tuổi U40, U50, cơ sở của chị Lang còn đào tạo tay nghề người từ 50 tuổi trở lên. Theo cách nói của chị Lang, học viên đến lớp đan lục bình nhằm tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.
"Đào tạo nghề đan lục bình không quá khó khi nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương, sản phẩm làm là các loại sọt, giỏ thô nên công đoạn thực hiện lại càng đơn giản. Lục bình tươi cắt dưới sông rồi đem phơi khô sau đó đan đát thành mặt hàng theo yêu cầu. Học viên học tầm 10 ngày là ra nghề", chị Lang nói.
Ngoài thị trấn Cờ Đỏ, mô hình đan lục bình của chị Lang còn lan rộng ra nhiều xã lân cận như Đông Thắng, Thới Xuân... với 1-2 tổ/xã, trong đó có cả người Kinh và Khmer tham gia.
|
Lục bình trải qua nhiều công đoạn như cắt lục bình tươi, phơi khô, đan đát thành giỏ, sọt, túi xách... Mỗi sản phẩm mất khoảng 2-3 ngày hoàn thành (Ảnh: Bảo Kỳ).
|
Đưa lục bình "cất cánh" sang trời Tây
Năm 2020, chị Lang thành lập HTX Làng Nghề với 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình. Ngoài ra, HTX đã liên kết được trên 100 chị em phụ nữ khắp huyện, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp.
"Nhân công đan xong sọt, giỏ, tôi sẽ thu gom lại và giao cho công ty. Công ty đem sọt, giỏ thô về gia công thêm keo chống nước, ẩm mốc và trang trí rồi xuất khẩu sang một số nước như Anh, Đức, Pháp...", chị Lang cho hay.
Không tiết lộ mức thu nhập cụ thể nhưng chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Lang cho biết, nhờ cây lục bình, cuộc sống chị Lang thay đổi khá nhiều. Năm 2015 chị cất được căn nhà khang trang cho gia đình và hiện tại đủ kinh phí nuôi 2 con đang học đại học ở Cần Thơ.
"Ngoài tôi, những chị em phụ nữ trong HTX cũng có cuộc sống tốt hơn. Mỗi ngày dành vài giờ đan lục bình cũng có thể kiếm 100.000-200.000 đồng. Thu nhập tuy không lớn nhưng ổn định quanh năm. Thời gian còn lại họ có thể chăm sóc nhà cửa, con cái...", nữ Giám đốc HTX Làng Nghề nói.
Ngoài sản phẩm gia công cho doanh nghiệp, HTX Làng Nghề còn cho ra đời các sản phẩm như: Nón, giỏ xách, lồng đèn trang trí, vỏ bình hoa… để cung ứng cho thị trường trong và ngoài TP Cần Thơ, tạo sự đa dạng cho sản phẩm đan lục bình.
Đặc biệt, đầu năm 2023, chị Lang đón nhận tin vui khi sản phẩm đan từ lục bình đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4, giúp mặt hàng thủ công mỹ nghệ của HTX có vị thế trên thị trường.
|
Mỗi tháng HTX thực hiện gia công khoảng 3.000 sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp (Ảnh: Bảo Kỳ).
|
Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ đánh giá, mô hình đan lục bình không chỉ phát huy hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề, mà còn giúp phụ nữ địa phương cải thiện cuộc sống.
Từ những giá trị kinh tế cây lục bình mang lại, nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra cho mặt hàng đan lục bình, khai thác tối đa, loại cây này sẽ tạo ra nguồn kinh tế ổn định cho bà con nông dân.