Chuyện lạ Hậu Giang: Dân bỏ rau nhút quay ra trồng... bèo dại

Google News

“Còn đâu rau nhút một thời Lục bình lấn át tiền lời hơn rau”.

Đang hồi mệt mỏi sau hàng giờ phơi lục bình giữa cái năng ban trưa, nghe mấy chị cắt lục bình trên sông Cái Lớn ngâm mấy câu thơ ngẫu hứng, lão nông Chín Phi (Nguyễn Văn Phi), ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) lớn tiếng quát đùa: “Trưa nắng rồi không lo cắt cho đầy ghe, ở đó mà hò với hát”.
Sau những giọng cười khoái chí của mấy chị, lão Chín Phi đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, lão nói mười mấy năm về trước cả khúc sông Cái Lớn này rất ít lục bình. Dọc 2 bên bờ sông, chỉ có một màu xanh của rau nhút, đã có không ít hộ khó khăn ở đây nhờ trồng rau nhút mà vượt được cảnh nghèo.
Cứ cách nhau 10 ngày thu hoạch một lần, thương lái vào tận nhà mua với giá 4.000-6.000 đồng/kg tùy theo thời vụ, năng suất rau nhút mỗi công khoảng 6 tấn/năm, tính ra nhiều hộ trồng rau nhút diện tích lớn có thu nhập tiền trăm triệu trong năm là cái chắc.
Chuyen la Hau Giang: Dan bo rau nhut quay ra trong... beo dai
Giờ đây nhiều hộ ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chuyển từ trồng rau nhút sang trồng lục bình. Ảnh minh họa 
Nhờ trồng được rau nhút nên tạo ra việc làm cho khá nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 150.000-180.000 đồng/người/ngày, theo công việc cắt, bó, thả bèo, trồng rau nhút… Đã có một thời rau nhút được coi là cây cứu cánh cho không ít hộ nghèo ở đây, con cái học hành, sửa sang nhà cửa đều nhờ vào tiền bán rau nhút.
Nhưng những năm gần đây, cây rau nhút bị lụi dần là do mất giá hơn so với cây lục bình (bèo tây) vì phục vụ cho sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như đan sọt, thảm, bàn ghế và một số sản phẩm dùng để trang trí nội thất khác…
Giá cả và đầu ra của lục bình cũng ổn định hơn cây rau nhút. Lúc đầu chỉ một ít hộ trồng lục bình, lâu dần thấy cây nhẹ công chăm sóc, còn nếu tính về mặt kinh tế thì chỉ bỏ ra một vốn mà đến khi lấy lại tới bốn đồng lời.
Chuyen la Hau Giang: Dan bo rau nhut quay ra trong... beo dai-Hinh-2
Chị em phụ nữ đan giỏ từ cây lục bình. 
Anh Út Lê, người hàng xóm của ông Chín Phi, chia sẻ: “Vợ chồng tôi sống bằng nghề thả lục bình trên sông Cái Lớn này đã hơn 10 năm. Lúc đầu hơi cực bơi ghe, xuồng để gom những bụi lục bình con trôi nổi trên sông, rồi dùng cây vây lại. Chỉ sau 2,5-3 tháng, lục bình đã cao từ 60-70cm là thu hoạch được.
Với giá bán lục bình cho thương lái mua tại nhà hiện nay là 16.000 đồng/kg lục bình khô, thì 1 công lục bình có thể cho thu hoạch từ 600-700kg lục bình khô, gia đình anh Út Lê có nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng/công/vụ.
Miệng cười tươi rói, chị Sáu Hiền, nhà ở bên kia sông Cái Lớn, thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, kể về những ngày tháng gian khó của chị khi chưa học được nghề đan đát lục bình.
Sáng sớm thì chị đã đi làm mướn ngoài đồng nhưng việc làm cũng không thường xuyên. Còn bây giờ cuộc sống đã ổn định, nhờ cây lục bình đã giúp chị đổi đời. Miệng chị nói, tay chị lại thoăn thoắt luồn những cọng lục bình khô vào thanh sắt sơn đen của cái khuôn được kẹp chặt bên dưới gối mà không cần nhìn khuôn.
Nghề này nếu ai làm nhiều thì có thu nhập cao, nhất là tận dụng thời gian rảnh rỗi cũng kiếm trung bình 50.000 đồng/ngày. Chị Hiền cho biết thêm, phụ nữ xứ này xưa kia việc làm thuê làm mướn hay thất thường, kéo theo thiếu thốn nhiều thứ. Nhờ đan lục bình đã giúp các chị giải quyết được việc làm trong thời gian nhàn rỗi, đó là một cách xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả cho chị em nông thôn.
Một cán bộ thuộc Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thuộc tỉnh Vĩnh Long, nói với tôi rằng hiện nay có rất nhiều hộ dân học cách trồng lục bình để lấy nguyên liệu. Cây lục bình nếu được phơi khô đủ nắng thì có màu sắc khá đẹp mắt, bán được giá cao.
Nghề đan lục bình cũng khá đơn giản, chỉ cần người đan chịu khó là có thể hoàn thành sản phẩm như thùng vuông, thảm, nón, thuyền, rổ, giỏ xách, túi xách… Để làm được sản phẩm thì người lao động phải trải qua 4 công đoạn dán keo; cắt dây, thả xương, đan…
Người thợ làm theo khung sắt có sẵn nên rất dễ dàng tạo ra các sản phẩm đồng đều và chuyên nghiệp, trung bình một người làm giỏi có thể kiếm được 2,5-3 triệu đồng/tháng, người tay nghề yếu cũng có thể kiếm được từ khoảng 1-2 triệu đồng/tháng.
Chị Hiền cho biết trước đây chị cũng từng tham gia qua nhiều lớp đào tạo nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, huyện và Trung tâm đào tạo nghề của huyện Long Mỹ về kỹ thuật đan đát lục bình nên không gì làm khó chị.
Người nào sáng dạ thì học đôi ba ngày là bắt tay tự thực hiện các thao tác đan một cách khá thuần thục, chị nào học chậm hơn thì mất tới một tuần cũng thoăn thoắt được tay nghề.
Theo Quang Hải /Báo Hậu Giang

>> xem thêm

Bình luận(0)