Kem Tràng Tiền nhái tràn lan: Bài toán bảo vệ thương hiệu

Google News

Dù đã đăng ký bản quyền thương hiệu nhưng hàng năm cứ mỗi khi hè về các cây kem nhái Tràng Tiền xuất hiện như nấm. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng tình trạng vẫn không suy giảm.

Sau hàng loạt sự cố: 5 người bị ngộ độc khi ăn kem Tràng Tiền, ruồi trong nhân kem, dùng 10 tấn sữa đặc hết hạn sản xuất kem... nhiều người tiêu dùng mới "ngã ngửa" mình ăn phải toàn kem Tràng Tiền nhái, giả một cách tinh vi.

Tràn lan Kem Tràng Tiền rởm

Thành lập năm 1958, đến nay kem Tràng Tiền đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội và được sự tin tưởng của khách hàng. Kem Tràng Tiền mang những đặc trưng riêng biệt, kết hợp những hương vị đặc trưng truyền thống như cốm, đậu xanh, dừa, cacao nguyên chất... đã tạo nên những vị kem tươi ngon, mát lạnh, ngọt thanh, thơm bùi và béo ngậy với nhiều loại khác nhau.

Vì có sức hút với người mua, thương hiệu Kem Tràng Tiền thường xuyên bị các đơn vị khác lợi dụng để làm nhái, tạo ra sản phẩm kém chất lượng, tạo ra nguồn thu lợi bất chính. Đặc biệt mỗi khi mùa nắng nóng đến thì hàng loạt các thương hiệu kem nhái Tràng tiền xuất hiện.

Kem Trang Tien nhai tran lan: Bai toan bao ve thuong hieu
 Kem Tràng Tiền số 10

Ngày 25/4 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với đơn vị chức năng trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 9.400 hộp kem sữa đặc do nước ngoài sản xuất quá hạn sử dụng (tương đương gần 10 tấn).

Cụ thể, số hộp kem sữa đặc trên được phát hiện tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 (ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) do bà Phạm Thị Ngạn làm Giám đốc.

Làm việc với lực lượng chức năng, bà Phạm Thị Ngạn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 cho biết, số hàng trên được bà mua về để làm nguyên liệu sản xuất kem.

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 30.000 que kem thành phẩm, trên bao bì ghi “Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10”. Số kem thành phẩm này vừa được sản xuất trong ngày mà lực lượng chức năng đang kiểm đếm đều dùng nguyên liệu từ lô kem sữa hết hạn sử dụng đang có tại cơ sở, mỗi que kem thành phẩm được cơ sở này bán ra với giá 1.800 đồng/que. Tổng trị giá lô hàng khoảng 360 triệu đồng.

Không chỉ có cơ sở sản xuất này mà trên thị trường nhiều năm nay có rất nhiều sản phẩm kem sử dụng nhãn hiệu "Tràng Tiền" na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn như Tràng Tiền số 1, kem Tràng Tiền số 10, kem Tràng Tiền Plaza, Kem 35 của CTCP Tràng Tiền Tràng Tiền 35,... Thậm chí có những vụ “ngộ độc” vì Kem Tràng Tiền nhái này.

Tiêu biểu là vụ việc xảy ra vào năm 2010, Hà Nội có 5 người bị ngộ độc khi ăn kem Tràng Tiền của công ty Kem Idea Tràng Tiền hay vụ việc một khách hàng mua kem Tràng Tiền do Công ty cổ phần kem Tràng Tiền 35 sản xuất có nhân ruồi bên trong.

Giá bán của các loại kem gắn nhãn Tràng Tiền thường thấp hơn giá bán sản phẩm kem của Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền "chính chủ". Mức giá phổ biến dao động từ 1.000-3.000 đồng/cái, tùy loại kem sữa dừa, cốm, socola… Trên trang web của các nhãn hiệu "nhái", sản phẩm còn không có giá bán rõ ràng mà khá mập mờ và chỉ ghi chữ "Liên hệ".

Trong khi đó, nếu so sánh, một cây kem sữa dừa của Kem Tràng Tiền "chính gốc" được niêm yết trên webiste có giá 12.000 đồng/sản phẩm, tức đắt gấp gần 7 lần kem Tràng Tiền số 10 nói trên.

Dù vậy, nhiều người tiêu dùng không biết, thậm chí vẫn tin tưởng vì gắn mác “Tràng Tiền” mà vô tư sử dụng. Sự nhầm lẫn khi tiêu dùng gây thiệt hại cho chính khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Đến nay, tình trạng "nhái", mượn thương hiệu nhái kem Tràng Tiền vẫn tồn tại dù doanh nghiệp đã đăng ký độc quyền thương hiệu từ rất nhiều năm qua.

Kem Trang Tien nhai tran lan: Bai toan bao ve thuong hieu-Hinh-2
Kem Tràng Tiền "chính hãng" đã được bảo hộ 

Người tiêu dùng phải làm gì?

Theo đại diện Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền, Kem Tràng Tiền chính hãng được thành lập từ năm 1958. Sau 65 năm đến nay, Kem Tràng Tiền đã phát triển và hiện đang phân phối tới hơn 200 đại lý bán lẻ trên cả nước.

Tên gọi Kem Tràng Tiền được đăng ký bản quyền thương hiệu theo số 40913, Cục sở hữu trí tuệ cấp ngày 13/01/2022 và số 84040 cấp ngày 20/4/2016. Thương hiệu này có ba chữ “Kem Tràng Tiền” và dòng chữ “since 1958” thể hiện mốc thời gian ra đời.

Từ năm 2020, nhà sản xuất này cũng đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt với hàng giả, hàng nhái.

Cụ thể, logo của Kem Tràng Tiền có hình ảnh nổi bật là cây kem que bao bọc xung quanh là hình ảnh cách điệu từ mái vòm của tòa nhà Kem Tràng Tiền cùng dòng chữ Kem Tràng Tiền since 1958. Trên mỗi bao bì đều có mã QR thể hiện rõ chất lượng, nguồn gốc, phân biệt được đúng kem chính hãng. Trên thân que gỗ của mỗi kem que cũng có logo của hãng, thể hiện sự tinh tế và đảm bảo thương hiệu chuẩn. Bên cạnh dấu đóng thương hiệu độc quyền, người tiêu dùng khi sử dựng điện thoại quét mã QR của kem chính hãng sẽ dẫn ra website chính thức (https://kemtrangtien.vn/). 

Đặc biệt, việc in liền 3 chữ “Kem Tràng Tiền” đã được bảo hộ bản quyền tổng thể theo luật sở hữu trí tuệ. Nếu in 3 chữ “Kem Tràng Tiền” liền nhau sẽ vi phạm luật nên nhiều địa chỉ làm giả chỉ có thể ghi tên kem đậu xanh hay kem cốm,… rồi ghi tên công ty Tràng Tiền.

Theo Luật sư Cao Xuân Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 số 36/2009/QH12 quy định rõ: "Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau". Vì vậy các cơ sở sản xuất kinh doanh muốn được bảo vệ thương hiệu của mình cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được quy định.

Các sản phẩm, thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Một cơ sở sản xuất, doanh nghiệp in ấn, sử dụng logo, thương hiệu thương mại đã có bản quyền của công ty khác là vi phạm vào Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Nếu xác định được các hành vi vi phạm thì tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ông Phạm Văn Thọ - Phó giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam khuyến cáo, hiện hàng giả xuất hiện ở khắp mọi nơi làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính. Bên cạnh biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng phải quan tâm tới chất lượng hàng hóa, nâng cao kiến thức về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, tẩy chay tâm lý thích mua hàng giá rẻ, tránh tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không mua bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo tới doanh nghiệp và cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ về hàng giả.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký. 
Tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Minh Quang

>> xem thêm

Bình luận(0)