Trong 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2020, chỉ riêng Vietbank không có phần thuyết minh chi tiết về tình hình nợ xấu, còn lại 24 nhà băng ghi nhận 102.869 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm 30/9/2020.
Nợ xấu các ngân hàng đồng loạt tăng
Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các nhà băng đều tăng so với đầu kỳ, chỉ duy nhất 2 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm gồm PGBank, SeABank.
Tăng mạnh nhất phải kể đến KienLongBank với 2.241 tỷ đồng (gấp 6,5 lần), tương ứng tỷ lệ nợ xấu lên tới 6,63% trong khi đầu kỳ chỉ hơn 1,02%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp 8.9 lần khi chiếm 2,134 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, trong số dư nợ có khả năng mất vốn này đã bao gồm 1,883 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nhóm 5 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Chính khoản nợ xấu này khiến KienLongBank phải tăng trích lập dự phòng tới 96% trong 9 tháng 2020. KienLongBank cho biết, những ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm đối với các khoản vay trên (dự kiến trong quý 4/2020), căn cứ nguồn tiền thu được, ngân hàng sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng góp phần tăng thu nhập trong năm 2020.
Liên quan đến khoản nợ này, hồi tháng 2/2020, KienLongBank đã thông báo lần 2 về chào bán tài sản đảm bảo là gần 176.4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) để thu hồi nợ.
Trong lần chào bán này, KienLongBank hạ giá khởi điểm 21,600 đồng/cp, thấp hơn mức giá 24,000 đồng/cp ở lần thông báo trước đó. Tương ứng, tổng giá trị KienLongBank dự kiến muốn thu về khoảng 3.810 tỷ đồng.
Một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh lên ngưỡng trên 2% như SHB lên 2,47% trong khi đầu kỳ chỉ 1,71%, tương ứng nợ xấu chiếm tới 7.209 tỷ đồng.
Hay Eximbank từ 1,71% của đầu kỳ lên 2,46% khi con số nợ xấu tương ứng 2.491 tỷ đồng. Điều này đi ngược với tăng trưởng tín dụng âm của nhà băng này khi chỉ đạt 101.302 tỷ đồng, giảm 11% so đầu kỳ.
OCB tăng tỷ lệ nợ xấu từ 1,84% lên 2,15%, ứng với nợ xấu 1.700 tỷ đồng. Sacombank cũng không ngoại lên với con số nợ xấu hơn 6.837 tỷ đồng, ứng với nợ xấu tăng từ 1,94% lên 2,14%. Tương tự với VIB, Saigonbank, Vietbank.
BIDV vẫn "cân" nợ xấu khi chiếm 21% tổng 24 ngân hàng
Với VietinBank, tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2020 tăng đến 66% so với đầu năm, lên 17.949 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn gấp 5.7 lần, ghi nhận gần 11,919 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng 21%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1.16% lên 1.87%.
Bởi thế mà từ đầu năm đến nay, VietinBank liên tục công bố xử lý hàng loạt khoản nợ xấu khủng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Gần đây nhất vào ngày 27/10, VietinBank thông báo bán đấu giá nhiều tài sản bảo đảm là bất động sản và các tài sản gắn liền với giá khởi điểm 2.635 tỷ đồng để xử lý khoản nợ gần 2.600 tỷ đồng của nhóm công ty C.T Group, trong đó có dự án Léman Luxury Apartment.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 28/9, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.000 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sẽ vượt ngưỡng 3% vào năm 2021.