Quá nhiều các cụm công nghiệp
Ngày 04/8 vừa qua, có mặt tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND huyện với các tổ chức, cá nhân về quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Sơn, xã Hòa Sơn, phóng viên (PV) được chứng kiến cảnh hơn 100 cá nhân, đại diện cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đất bị thu hồi để thực hiện dự án CCN Hòa Sơn đưa ra vô vàn các ý kiến và phản đối sự ra đời của dự án này.
Quả là kỳ lạ khi một dự án được cho là sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, phát triển kinh tế địa phương lại bị nhiều người dân phản đối đến như vậy. Thế nhưng, khi tham gia hội nghị này, PV nhận thấy cũng không quá khó hiểu khi người dân phản ứng gay gắt với dự án, bởi hiện nay trên địa bàn xã Hòa Sơn đã có 1 khu công nghiệp Lương Sơn rộng 83 ha đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy 100% và 4 dự án cụm công nghiệp, trong đó có 2 dự án triển khai từ năm 2007, vừa xin rút khỏi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành khu đô thị.
|
Ngày 4/8 vừa qua, tại Lương Sơn, Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND huyện với các tổ chức, cá nhân về quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Sơn |
Theo phản ánh của người dân nơi đây, có dự án khi giải phóng mặt bằng chỉ chi trả cho người dân 60.000 đồng/m2, nhưng đến nay đang phân lô bán nền với giá 14 - 15 triệu đồng/m2. Nguồn lợi đó vào túi ai thì chưa rõ, nhưng người dân mất đất thiệt đủ đường.
Hòa Bình hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.507,43 ha. Đó là Khu công nghiệp Lương Sơn quy mô 83 ha tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp bờ trái sông Đà 68 ha tại Phường Hữu Nghị, TP.Hòa Bình; Khu công nghiệp Yên Quang 200 ha tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn; Khu công nghiệp Mông Hóa 236 ha thuộc xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn; Khu công nghiệp Nhuận Trạch 213 ha tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp Lạc Thịnh 220 ha tại xã Yên Lạc, xã Lạc Thịnh, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Khu công nghiệp Nam Lương Sơn 200 ha ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp Thanh Hà 282 ha thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy.
|
Tại Hội nghị, hàng loạt các câu hỏi của người dân được đặt ra, mà chưa có câu trả lời thích đáng |
Thế nhưng, bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình vẫn tồn tại một số dự án cụm công nghiệp không đi vào hoạt động, gây hoang phí đất đai và ngân sách.
Có thể kể đến như dự án CCN Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy do UBND huyện Lạc Thủy làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên quy mô 22,853 ha. Mức đầu tư dự kiến hơn 30,3 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên 27 tỷ, các công trình kiến trúc là 1,65 tỷ, đền bù giải phóng mặt bằng là gần 3,3 tỷ và rà phá bom mìn là 57,5 triệu đồng.
Đồng thời, việc lấp đầy các CCN cũng là câu hỏi mà người dân đặt ra. Bởi lẽ, các CCN trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn rất nhiều chỗ, chưa sử dụng hết, tại sao lại phải triển khai thêm?
Tính riêng tại huyện Lạc Thủy, dến nay, KCN Thanh Hà mới có 1 doanh nghiệp thuê đất 0,87 ha, đạt 0,54%. Có 3 CCN thu hút được dự án thứ cấp, gồm: CCN Đồng Tâm thu hút được 5 dự án với tổng diện tích thuê đất 14,18 ha, đạt 30,29%. CCN Phú Thành II thu hút được 8 dự án với tổng diện tích thuê đất 24,1 8ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 74,29%. CCN Thanh Nông thu hút được 3 dự án với tổng diện tích thuê đất 11,82 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 52,51%.
|
Hội nghị vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và đại diện doanh nghiệp chịu ảnh hưởng |
Nhiều vấn đề cần về tính khả thi của dự án
Tại Hội nghị, lãnh đạo huyện Lương Sơn cho biết, tỉnh Hòa Bình đã định hướng phát triển công nghiệp trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh… Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm cộng nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Vậy, “phấn đấu” có phải là làm mọi cách để đạt được con số 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh thành đất cụm công nghiệp? Nếu như cuộc sống của nhân dân bị ảnh hưởng, thì con số đạt được có ý nghĩa gì ngoài 2 chữ “thành tích”?
Bên cạnh đó, được biết CCN Hòa Sơn mới được chưa 2 khu, trong đó Khu I sẽ được triển khai tại khu vực đồi Võng, huyện Tân Sơn, với phần lớn địa hình là đồi núi, có nơi cao hơn 100m so với mặt nước biển. Khảo sát thực tế thì khu vực này còn nằm sát một doanh trại quân đội, tồn tại một dự án nhà dưỡng lão và một dự án về khu đô thị sinh thái. Với địa hình đồi núi tự nhiên, để lập CCN thì lại thực sự vô lý đến khó hiểu.
|
Vị trí Khu I CCN Hòa Sơn được triển khai trên đất đồi núi, có độ dốc cao, không bằng phẳng, chỉ thích hợp làm các dự án nhà ở |
Người dân đặt nghi vấn, liệu khi dự án CCN Hòa Sơn được thông qua, Khu I có rơi vào tình trạng nhiều năm không thể triển khai do khó khăn về địa hình, từ đó xin chuyển đổi không làm đất CCN nữa mà làm đất ở, để rồi từ đó mọc lên một khu đô thị khác, giống như trường hợp của CCN Vitaco?
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Báo, Trưởng phòng quản lý công nghiệp của Sở Công thương Hòa Bình cho hay, thực tế tính khả thi của CCN Hòa Sơn còn đang phải xem xét, bởi chưa thể tính toán được tỷ lệ lấp đầy nếu CCN này đi vào hoạt động. Cùng với đó là khu vực tái định cư cho người dân liên quan đến CCN này đến này còn chưa có, cùng là nguyên nhân khiến người dân không chấp thuận triển khai dự án.
Hội nghị kết thúc với trực quan là đến hơn 90% đại biểu tham dự phản đối thực hiện dự án. Thực tế, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến CCN Hòa Sơn được đưa ra mà chưa có lời giải đáp.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.