Tìm hiểu của phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, ngày 26/6/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ban hành quyết định số 2802/QĐ-UBND về việc thành lập cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn với diện tích khoảng 20ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong (đề cập chi tiết ở bài sau).
Tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng 397,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 79,4 tỷ đồng (20%), vốn vay từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động khác 198,6 tỷ đồng (50%); vốn huy động từ nhà đầu tư thứ phát 119,1 tỷ đồng (30%). Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 3/2020 đến quý 3/2022.
|
Quyết định thành lập cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn. |
Nhiều người dân phản đối dự án
Sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp, trong đó có dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Tuy nhiên, đến nay, dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu vẫn chưa thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do đang bị nhiều người dân thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu) phản đối. Trong khi chính quyền địa phương đã có những bước chuẩn bị để thực hiện công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng; phối hợp với chủ đầu tư đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Xuân Lai, sở dĩ dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu bị người dân ở đây phản đối vì họ cho rằng vị trí thực hiện dự án không phù hợp; dự án này không mang lại lợi ích cho người dân; đặc biệt quá trình khảo sát thực hiện dự án người dân không được biết, không được tham gia đóng góp ý kiến?
|
Trách nhiệm của chủ đầu tư - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong xây dựng kỹ thuật hạ tầng dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu nêu trong quyết định. |
Trao đổi với phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống, ông D.V.T (người dân thôn Xuân Lai) cho biết, năm 2012, người dân thôn Xuân Lai có được chính quyền phổ biến việc dồn điền đổi thửa và lấy một phần 9,3ha đất thuộc khu Đồng, giáp với xã khác để xây dựng khu làng nghề. Đến nay, có chủ trương làm cụm làng nghề nhưng vị trí này lại sai so với ban đầu, vượt quá diện tích, xâm phạm vào bản đồ quy hoạch của huyện đã quy hoạch thuộc về vùng trồng lúa và diện tích đất 5%.
“Dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu được triển khai, người dân chúng tôi không biết thông tin gì, không được bàn. Đến tháng 8/2020, chính quyền bỗng nhiên phát cho chúng tôi một cuốn sách in thông tin thu hồi đất để làm dự án. Trong cuốn sách này ghi tên ông Nguyễn Văn Khiếu là người đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi, nhưng ông Khiếu là người không có khẩu để chia ruộng ở diện tích đất 20,8ha này”, ông T nhấn mạnh.
“Cụm dân cư đội 12 thôn Xuân Lai chúng tôi được chia 5 phần đất, nếu bị lấy thêm 1 phần đất này để làm cụm công nghiệp nữa thì coi như đã mất đi 4 phần (1 là lấy đất làm chợ và khu dân sinh; 2 là lấy đất làm đường nối lên QL18; 3 và 4 là lấy đất để làm cụm công nghiệp làng nghề bây giờ). Như vậy, số khẩu được nhận ruộng sinh năm 1992 đổ về trước còn khoảng 67m2 đất để cấy lúa. Với điều kiện này, chúng tôi không đủ điều kiện sinh nhai hàng năm.
Hơn nữa, khi khu đất này bị lấy đi sẽ phá vỡ toàn bộ cánh đồng sản xuất của thôn Xuân Lai nói chung”, ông T than thở.
|
Người dân thôn Xuân Lai cho rằng, việc ông Nguyễn Văn Khiếu là người đại diện cho các hộ dân có đất bị thu hồi là điều vô lý. |
Ông T., cho biết thêm, người dân nơi đây bức xúc cao độ là khi nghe được thông tin chủ đầu tư - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong - chỉ làm hạ tầng, rồi sẽ bán đất nền cho người dân địa phương và nơi khác theo hình thức đấu thầu 50 năm?
“Người dân thôn Xuân Lai đã nhiều lần kéo nhau ra gặp lãnh đạo UBND xã Xuân Thu để làm rõ sự việc. Tuy nhiên xã chỉ trả lời chung chung, không định hướng gì cho người dân”, ông T thông tin.
Tương tự, một người dân khác ở thôn Xuân Lai là ông D., chia sẻ: “Bao đời nay người dân chúng tôi mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng trọt và cấy lúa là nguồn thu nhập chính canh tác trên mảnh đất này. Bây giờ đất ruộng bị thu hồi, chúng tôi mất đất không còn chỗ để canh tác, trồng trọt thì lấy gì để sinh nhai?”.
“Chúng tôi không hiểu vì sao xã, huyện, thành phố lại lấy khu đất này của chúng tôi để làm cụm công nghiệp, trong khi tập thể các hộ dân nơi đây không được biết, không được bàn, chưa có văn bản họp dân cụ thể và toàn thể bà con xã viên chúng tôi chưa ai đồng ý giao hoạc bán đất. Không hiểu vì sao đã có công văn, văn bản từ UBND xã báo cáo UBND huyện nói rằng 100% các hộ dân nơi đây nhất trí, đã đồng ý nhận đền bù đất.
Người dân chúng tôi đang rất hoang mang. Nếu bị thu hồi đất để làm cụm công nghiệp thì không biết phải làm gì để lo cho cuộc sống?”, ông D bày tỏ sự lo lắng.
Một số ý kiến của người dân khác đưa ra cũng cho rằng, dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu không có tính chất khả thi với người dân sinh sống, bởi vậy họ nhất định không giao đất.
Trước sự việc xảy ra, người dân thôn Xuân Lai còn cùng nhau làm đơn kêu cứu gửi lên Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ, ngành và báo chí mong các cấp nắm bắt thông tin kịp thời, vào cuộc giải quyết để bà con yên tâm canh tác và sản xuất an sinh xã hội.
Chính quyền địa phương nói gì?
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin liên quan đến sự việc, ngày 15/2/2022 phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ với ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn và được vị này cho biết, Phòng kinh tế cũng đang tổng hợp các ý kiến của người dân để tham mưu UBND huyện, vướng mắc lớn nhất ở đây là phần giải phóng mặt bằng.
|
Nhiều người dân thôn Xuân Lai không đồng ý giao đất để thực hiện dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu vì cho rằng dự án không có tính chất khả thi với người dân sinh sống? |
Trong khi đó, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng xác nhận với phóng viên rằng, huyện đang làm công tác tuyên truyền đối với người dân và chưa vào công tác giải phóng mặt.
“Riêng dự án cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu là Nhà nước thu hồi đất chứ không phải doanh nghiệp thu hồi đất”, ông Ngọc nói.
Diễn biến liên quan, một đại diện Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong cho biết, toàn bộ pháp lý dự án đã đầy đủ, đơn vị đang chờ huyện Sóc Sơn giải phóng và bàn giao mặt bằng.
Vị đại diện này đồng thời khẳng định: “Không có việc chủ đầu tư sử dụng đất của dự án cụm công nghiệp để phân lô, bán nền. Nếu dự án ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng chúng tôi sẽ xem xét”.
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.