Theo PVN cho hay, một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là khoản nợ lên đến 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), riêng nợ mua điện từ Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) khoảng 13.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng. Điều này, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của PVN.
Nợ lớn chủ yếu từ mua điện
Hiện nay EVN không còn là đơn vị sản xuất điện duy nhất trên thị trường. Tập đoàn này mua điện từ các nguồn bên ngoài, gồm các tập đoàn PVN, TKV, các nhà máy điện BOT và các chủ đầu tư khác, đưa tổng công suất nguồn toàn hệ thống lên gần 80.000MW.
Trong đó EVN chỉ quản lý trực tiếp các nhà máy điện lớn (chiếm 15% tổng công suất lắp đặt). Cùng với ba tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3), EVN đang quản lý khoảng hơn 20% công suất các nguồn điện, nâng tỷ lệ quản lý các nguồn thuộc EVN là 38%.
Trong số các nguồn điện mua ngoài, PVN là một trong những đơn vị cung ứng điện lớn nhất với 6.112MW. Báo cáo của tập đoàn này cho hay trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện cung ứng cho hệ thống là 12,66 tỉ kWh, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2022 (7,95 tỷ kWh). Với nguồn điện huy động lớn từ PVN, các khoản nợ của EVN chủ yếu tập trung vào tiền mua điện của tập đoàn này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 vừa công bố, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 101.527 tỷ đồng. So với năm trước, quy mô tiền gửi ngân hàng của EVN và các công ty con giảm hơn 30.000 tỷ đồng. Quy mô tiền gửi ngân hàng lớn giúp EVN thu về hơn 3.700 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm nhẹ so với mức 4.300 tỷ đồng của năm 2021, giảm bớt phần nào áp lực lãi vay.
Nếu mang đi so sánh với các ông lớn giàu tiền trên sàn như Hòa Phát (24.500 tỷ đồng), như PV Gas (gần 34.300 tỷ đồng), như Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV - khoảng 33.000 tỷ đồng)... thì lượng tiền đi gửi ngân hàng của EVN đang lớn hơn cả 3 ông lớn này cộng lại.
Trong khi tiền nhiều đi gửi ngân hàng, thì EVN cũng là chủ nợ lớn. Tổng nợ phải trả của tập đoàn là 440.814 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay tài chính (ngắn hạn và dài hạn) là 324.000 tỷ đồng. Trong hơn 276.000 tỷ đồng vay dài hạn, công ty mẹ chiếm 1/2 tổng dư nợ với 132.446 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực miền Bắc vay hơn 36.400 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vay gần 38.900 tỷ đồng; Tổng Công ty phát điện 2 – Công ty CP vay hơn 10.900 tỷ đồng…
|
Gửi tiết kiệm 100.000 tỷ, vì sao EVN chưa trả nợ PVN? (ảnh minh họa: Internet). |
EVN cũng cho biết các khoản vay dài hạn hiện là vay từ các tổ chức tài chính hoặc vay lại từ Bộ Tài chính. Phần lớn các khoản vay này có lãi suất thả nổi và tài sản đảm bảo (nếu có) là các tài sản hình thành từ vốn vay. Với dư nợ vay tài chính này, EVN năm qua ghi nhận hơn 14.504 tỷ đồng chi phí lãi vay. Tương đương, mỗi ngày tập đoàn phải chi 40 tỷ đồng trả lãi vay.
Những khó khăn về tình hình tài chính của EVN được xem là nguyên nhân khiến các khoản nợ ngắn hạn của EVN gia tăng. Thực tế kết quả kinh doanh năm 2022 của EVN đạt doanh thu thuần là 463.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021, chủ yếu từ doanh thu bán điện lên tới 98,6%. Tuy nhiên do chi phí vốn tăng cao, trong khi giá bán điện thấp hơn giá mua vào nên gây ra khoản lỗ cho EVN. Doanh thu bán điện của EVN đạt hơn 370.000 tỷ đồng nhưng giá vốn điện lên tới hơn 400.000 tỷ đồng.
Tiền gửi duy trì trả nợ đến hạn
Đáng chú ý, EVN còn đang ghi nhận khoản phải trả người bán ngắn hạn với tổng giá trị hơn 79.143 tỷ đồng (tăng 16.400 tỷ đồng so với đầu năm). EVN cũng cho biết khả năng trả nợ của tập đoàn là 100%.
Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội mới đây, EVN giải thích nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký. Khoản này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng), và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, EVN báo lỗ ròng hợp nhất năm 2022 hơn 20.700 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp lãi 14.725 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ.
Ở diễn biến khác, trước đó Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán năm 2022, cho kỳ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của một số doanh nghiệp, Tập đoàn, trong đó ghi nhận một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý nợ chưa chặt chẽ.
Đối với EVN, kiểm toán Nhà nước cho rằng Tập đoàn chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ); việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, trong đó: Một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam); hoặc một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (Tổng công ty Phát điện 3 -–Công ty CP, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc Tổng công ty Phát điện 3 -–Công ty CP).