Để tăng cường hiệu quả kinh doanh, Grab và Shopee đã hợp tác triển khai dịch vụ “giao hàng 1h” khi mua sắm online tại Việt Nam. Thông qua hình thức giao hàng GrabExpress hai đối tác mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người bán và khách hàng trên nền tảng Shopee ở khu vực Hà Nội và TPHCM.
Tuy nhiên, mặc dù 2 ông lớn công nghệ bắt tay nhau triển khai dịch vụ tích cực, tình trạng kinh doanh vẫn khó tránh được thua lỗ khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, lãi suất tăng và lạm phát cao.
Shopee: Tinh giảm nhân viên, cắt giảm chi phí
Hãng tin Bloomberg cho biết Sea Limited, công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, một trong những công ty công nghệ lớn nhất tại Đông Nam Á đã đóng cửa một số hoạt động ở khu vực Mỹ Latinh, cắt giảm nhân sự, giảm thù lao của ban lãnh đạo và tiết kiệm tối đa ngân sách cho các hoạt động. Những động thái quyết liệt này đã đem lại kết quả gần như ngay lập tức khi báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của công ty ghi nhận lần đầu có lãi trong 14 năm hoạt động, đạt gần 427 triệu USD. Shopee là một phần nguyên nhân tạo ra bước ngoặt đó.
Trước đó, tại báo cáo tài chính quý 3/2022 của Sea Limited cho thấy khoản lỗ trước thuế, khấu hao và lãi vay đã điều chỉnh của công ty tăng lên 357,7 triệu USD so với 165,5 triệu USD cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn ước tính trung bình của giới phân tích là 457,4 triệu USD. Khoản lỗ ròng tăng lên khoảng 569 triệu USD, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2021.
|
Bắt tay nhau, Grab + Shopee thua lỗ thế nào? Ảnh minh họa: Internet. |
Theo báo cáo tài chính quý I/20223, doanh thu GAAP của Sea Limited đạt 3 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, công ty mẹ của Shopee, Garena và Sea Money lãi ròng 87,2 triệu USD, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ sau thuế hơn nửa tỷ USD hồi cùng kỳ.
Trong đó, mảng thương mại điện tử (Shopee) chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ khi thu về 2,1 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương mức ghi nhận của quý trước. Trong cơ cấu doanh thu, phần lớn nguồn thu của Shopee đến từ thu phí giao dịch trên nền tảng và quảng cáo. Nhờ sự tăng trưởng này, lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh chuyển từ âm 742,8 triệu USD hồi cùng kỳ sang dương 207,7 triệu USD. Lợi nhuận của Shopee chủ yếu nhờ thị trường châu Á trong khi các thị trường quốc tế khác chưa thể sinh lời.
Trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Sea đang được giao dịch quanh mốc 67,97 USD/đơn vị với mức vốn hóa đạt 38,52 tỷ USD. So với giai đoạn cuối năm ngoái, vốn hóa công ty đã phục hồi đáng kể nhưng nếu nhìn vào mức kỷ lục gần 200 tỷ USD thiết lập vào tháng 11/2021, vốn hóa của Sea đã bốc hơi khoảng 80%.
Trước đó, thông tin trên báo Tiền Phong, ra mắt chính thức năm 2016 nhưng trong năm 2017 và 2018, Shopee Việt Nam không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Kéo theo đó, số lỗ của công ty tăng từ hơn 600 tỷ đồng vào năm 2017 lên gần 2.000 tỷ đồng năm 2018 tương đương 207%. Shopee bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ năm 2019, đạt hơn 800 tỷ đồng do thu phí người dùng, nhưng tính tới ngày 31/12/2019, Shopee lỗ hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính, năm 2020 doanh thu của Shopee đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Shopee đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, số nợ phải trả của công ty này lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm trước, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ gần 100%.
Điều này khiến vốn chủ sở hữu của Shopee đã âm gần 1.500 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Shopee âm hơn 1.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chỉ nộp ngân sách Nhà nước 48 tỷ đồng trong năm 2020.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính không đánh giá cao khả năng thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh của Shopee khi cùng ở mức 0,64 lần. “Khả năng thanh toán của Shopee thấp và có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu.
Năm 2021, doanh thu thuần của Shopee Việt Nam là gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần con số của năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Tuy nhiên, cùng với doanh thu tăng, khoản lỗ ghi nhận hàng năm của nền tảng này có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.400 tỷ đồng, đến năm 2020 là 1.600 tỷ đồng và năm 2021 là gần 800 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.
Grab: Cắt giảm ưu đãi, cố gắng thoát lỗ
Trong khi đó, theo báo Lao Động cho biết, kết quả lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) được điều chỉnh trong quý III/2022 được Grab công bố cho thấy con số vẫn là âm 161 triệu USD, giảm 24% so với khoản lỗ EBITDA sau điều chỉnh 212 triệu USD trong cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, Grab cũng nâng dự báo cả năm và ước tính doanh số cả năm 2022 sẽ đạt từ 1,32 - 1,35 tỷ USD, cao hơn dự tính trước đó là 1,25 - 1,30 tỷ USD.
Tại Việt Nam, lợi nhuận của Công ty TNHH Grab năm 2021 âm 300,5 tỷ đồng và theo đó nâng con số lỗ lũy kế lên tới 4.365 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Trong lúc giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.
Cụ thể trong năm 2021, chi phí bán hàng của Grab Việt Nam tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020, lên gần 1.930 tỷ đồng. Trong số này, tiền chi khuyến mại là khoảng 1.622 tỷ đồng (tăng 293 tỷ đồng) và chi phí quảng cáo là 303 tỷ đồng (tăng 96 tỷ đồng).
Dù vốn chủ sở hữu đến hết năm 2021 âm 4.345 tỷ đồng, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt gần 1.350 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào các khoản nợ và vay tài chính dài hạn. Tại ngày 31/12/2021, Grab Việt Nam ghi nhận khoản vay dài hạn gần 4.279 tỷ đồng gồm GrabTaxi Holdings với 3.373 tỷ đồng và Grab Inc với 905 tỷ đồng. Các khoản vay này đều bằng đồng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Theo Zing, nhờ cắt giảm chi phí, quý I/2023 là quý thứ ba liên tiếp Grab lập kỷ lục doanh thu với mức ghi nhận là 525 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,5% so với quý liền trước. Đáng chú ý, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab trong quý đạt khoảng 4,9 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 3% so với cùng kỳ. Khoản lỗ ròng được thu hẹp đáng kể từ 435 triệu USD lên 250 triệu USD. Lợi nhuận hệ số EBIDTA đã điều chỉnh của Grab cũng cải thiện 77% lên âm 66 triệu USD so với số âm hàng trăm triệu USD của cùng kỳ.
Hiện mảng giao hàng vẫn đem lại doanh thu cao nhất cho Grab khi đạt 275 triệu USD, tăng 202% ngay cả khi GMV giảm 9%. Lợi nhuận EBITDA đã điều chỉnh cũng xoay chuyển từ âm 56 triệu USD sang dương 60 triệu USD. Doanh thu mảng di động tiếp tục tăng trưởng mạnh 72% lên 194 triệu USD nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch lẫn nhu cầu ở các thị trường. Lợi nhuận EBITDA đã điều chỉnh tăng 85% từ 82 triệu USD lên 152 triệu USD.
So với cùng kỳ, chi phí ưu đãi, khuyến mãi dành cho đối tác và người tiêu dùng tiếp tục được điều chỉnh, lần lượt đạt 169 triệu USD và 222 triệu USD, tương ứng mức giảm 22% và 36%. Hai quý gần nhất, ngân sách cho ưu đãi của Grab được duy trì trên dưới 400 triệu USD.
Dù kết quả liên tục được cải thiện nhưng khác Sea Limited, cổ phiếu và vốn hóa của Grab vẫn ngụp lặn sau khi IPO vào cuối năm 2021. Hiện cổ phiếu công ty dao động quanh mốc 3 USD/đơn vị với mức vốn hóa 11,89 tỷ USD, giảm 55% so với thời điểm mới IPO.