Giải cứu Vietnam Airlines: Thấy gì 4.000 tỷ đối ứng “thua lỗ”?

Google News

(Kiến Thức) - Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, trong đó Vietnam Airlines có thể được vay 4.000 tỷ đồng.

Gánh khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng và khối nợ khổng lồ
Trong nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Quốc hội cho phép ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nhất chí cho Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.
Giai cuu Vietnam Airlines: Thay gi 4.000 ty doi ung “thua lo”?
 Vietnam Airlines đang gánh khoản lỗ hợp nhất lên đến hơn 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. (Ảnh minh họa).
Trước đó, Vietnam Airlines đã trình phương án xin hỗ trợ từ Chính phủ với số tiền 12.000 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tương ứng theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 6.800 tỷ đồng.
Động thái xin hỗ trợ của Vietnam Airlines diễn ra khi doanh nghiệp này đang gánh khoản lỗ hợp nhất lên đến hơn 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.
Những khó khăn về tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines chưa dừng lại ở đó. Trong cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 còn cho thấy, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines sụt giảm tới 70% so với cùng kỳ, xuống còn 7.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines chỉ còn 656 tỷ đồng, khi mà cuối năm 2019 đạt trên 3.579 tỷ đồng. Trái ngược với tiền mặt co hẹp, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng gấp nhiều lần, vượt 8 lần vốn chủ sở hữu (6.610 tỷ đồng) lên mức 55.759 tỷ đồng.
Trong đó, khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp hai lần, lên 11.684 tỷ đồng, vay nợ dài hạn lên 27.871 tỷ đồng. Khối nợ khổng lồ đã khiến chi phí tài chính phải chi trả trong 3 quý lên tới 1.386 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay đã hơn 725 tỷ đồng.
Giai cuu Vietnam Airlines: Thay gi 4.000 ty doi ung “thua lo”?-Hinh-2
 Vietnam Airlines có thể được vay 4.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, trước khi gánh khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, ở giai đoạn 2015-2019, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đều đạt hiệu quả cao nhất khi doanh thu qua từng năm đều tăng.
Cụ thể, trong 5 năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 425.003 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 13.500 tỷ đồng; trong đó Công ty mẹ đạt doanh thu gần 328.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 9.220 tỷ đồng. Tính cả giai đoạn 2015 - 2019, Vietnam Airlines đã nộp ngân sách Nhà nước 30.535 tỷ đồng.
4.000 tỷ “giải cứu” có hy vọng Vietnam Airlines bật dậy?
Mặc dù Quốc hội nhất trí đề nghị của Chính phủ “rót” 4.000 tỷ đồng “giải cứu” Vietnam Airlines, song rất nhiều câu hỏi mà dư luận hiện đang quan tâm rằng: 4.000 tỷ đồng có hy vọng Vietnam Airlines bật dậy, mạnh dần lên và khi nào doanh nghiệp trả được khoản giải cứu này?
Theo đánh giá của các chuyên gia, khoản tiền 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines được “rót” sẽ hỗ trợ phần nào giải quyết một phần khó khăn trước mắt. Nếu tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn kéo dài, đường bay thương mại quốc tế chưa thể khai thác hoàn toàn trở lại, rất có thể Vietnam Airlines lại rơi về tình trạng khủng hoảng, khoản nợ thêm chồng chất?
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, vấn đề của các hãng bay, trong đó có Vietnam Airlines hiện nay là tiền mặt, vì các hãng cần dòng tiền để duy trì hoạt động, không ai cho nợ lâu. Thành ra, dòng tiền của các hãng rất lớn. Thế nhưng, đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu như hiện nay, không biết đến khi nào các hãng bay mới “ngóc đầu” lên được.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại cho rằng, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp tốt, là hãng hàng không đầu ngành, quan trọng, năng lực cạnh tranh tốt. Nếu chủ sở hữu là Chính phủ để phá sản hoặc bán đi là có tội với quốc gia.
Theo ông Cung, trường hợp không có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vietnam Airlines sẽ mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản, gây ra một số hệ lụy rất lớn như: Mất toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào hãng, các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các chủ nợ yêu cầu Chính phủ trả nợ thay…
“Là chủ sở hữu Nhà nước đang nắm số cổ phần chi phối lên đến 86% tại Vietnam Airlines, Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm đối với các khoản đầu tư của mình” - chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)