Giá điện tăng 3%, chuyên gia nói gì?

Google News

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ngày 27/4/2023 EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04/5/2023. Mức điều chỉnh này tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tức mỗi kWh tăng thêm gần 56 đồng.

Như vậy, sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất hồi tháng 3/2019, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng nhẹ kể từ hôm nay.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%. Việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5%.

Gia dien tang 3%, chuyen gia noi gi?
 EVN quyết định tăng giá điện - Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên điều chỉnh giá điện càng sớm càng tốt.

Bởi, khi đã điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình ngay lập tức phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ. Đồng thời thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ điện mặt trời và điện gió.

Với những tác động khi điều chỉnh tăng giá điện, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, vấn đề lâu dài là chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước. “Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng 1%, 3% hay 5%... mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng" - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để kịp thời có giải pháp khắc phục, cắt giảm chi phí sản xuất. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Theo công bố của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021, 2022 lần lượt là 419.031,80 tỷ đồng và 493.265,30 tỷ đồng. Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng (gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng), nên đã giúp EVN giảm lỗ còn 26.235,78 tỷ đồng trong năm 2022. Đó là chưa kể đến khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá của EVN lên tới gần 15.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của EVN để đạt được mức hòa vốn, giá bán lẻ điện cần phải tăng 9%, thấp hơn mức tăng giá thành sản xuất kinh doanh điện 9,27% của năm 2022 so với năm 2021 vì EVN đã tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn 30%, tiết giảm chi phí nhân công và chi phí khác.
Minh Quang (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)