Là chủ của trang trại rộng hơn 30ha với tổng đàn hơn 10.000 con heo, ông Nguyễn Hữu Thắng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho rằng “Đây là lần đầu tiên cuộc đời tôi chứng kiến một cơn sốc giá như vậy. Nhưng đó cũng là quy luật đào thải của thị trường thôi”.
|
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã xuống tận các trại heo ở Đồng Nai để tìm hiểu tình hình thực tế. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Trước khi các động thái giải cứu giá thịt heo được phát đọng, ông Thắng kể một con heo bán ra thị trường lỗ từ 1,6 - 2 triệu đồng. Nhiều người đều như vậy, kể cả doanh nghiệp.
“Gia đình tôi hay mọi người đều phải tìm giải pháp riêng, nhưng cái chính là hiện nay mọi người khó khăn quá, đồng vốn hạn hẹn, giá cả lại xuống dốc”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai kể mỗi ngày Hiệp hội nhận gần 60 cuộc gọi của bà con hỏi phải làm gì làm gì trong tình thế hiện nay.
|
Nhiệm vụ quan trọng nhất theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai là phải giải quyết lượng heo tồn do đóng cửa biên mậu. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Vì hàng ngày, cứ mở báo ra lại thấy mỗi nơi bán mỗi giá, người chăn nuôi vô cùng hoang mang. “Chúng tôi nói rằng, trước hết phải giữ bình tĩnh, không nghe giá chao đảo mà hoảng hốt rồi bán tống bán tháo. Càng xáo trộn thương lái sẽ càng ép giá”, ông Công chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo, các ngành cùng vào cuộc giải cứu giá heo, cuối tháng 4, đầu tháng 5 Đồng Nai cũng tích cực chủ động nhập cuộc.
Bên cạnh các giải pháp mang tính lâu dài, mở cửa một loạt các điểm bán lẻ từ khu dân cư đến khu công nghiệp là cách trực tiếp Hiệp hội chăn nuôi nhắm tới nhằm giải quyết lượng heo tồn ứ.
Với hơn 700.000 công nhân ở các khu công nghiệp của tỉnh, chỉ cần mỗi người mua thêm 1kg, mỗi tuần lượng thịt tồn lại vơi đi một ít.
“Công nhân vừa mua được thịt với giá rẻ, chất lượng bữa cơm lại được cải thiện tốt hơn. Đây là cách thức kích cầu tốt nhất hiện nay”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này.
Theo đó, Hiệp hội căn cứ trên giá từng ngày mà các công ty lớn đưa ra, từ đó nâng giá mua từ trại lên (2.000 đồng/kg) rồi bán giảm 30% cho người người dùng.
“Các khâu chúng tôi làm hiện nay trước mắt sẽ giảm 30% trên giá bán nhằm mục đích kích cầu, giải quyết lượng heo tồn đọng do đóng cửa biên mậu.
“Khâu lưu thông đang được ngắn nhất từ hợp tác xã đến lò giết mổ rồi ra thẳng thị trường. Đây là cách tốt nhất hiện nay để đưa thị trường lên từ từ, không thể tăng đột biến”, ông Công nói.
Các khoản chi phí còn lại như phí kiểm dịch,... thì cơ chế hiện nay có thể can thịp để hỗ trợ giảm cho bà con. Với những động thái can thịp tích cực như hiện nay, ông Công tin rằng trong vòng nửa tháng nữa thị trường sẽ được vực dậy.
Nhìn nhận cuộc khủng hoảng giá heo này, ông Thắng nhận định mỗi người đều tìm giải pháp riêng để cứu vãn nhưng chắc chắn cả người chăn nuôi và cơ quan quản lý đều sẽ có bài học cho cho riêng mình.
“Để yên tâm rằng cuộc giải cứu này thành công, bản thân người chăn nuôi phải xác định làm sao nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm. Quan trọng nhất là không nên chạy đua theo trào lưu, mỗi người không tranh mua tranh bán’, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng nêu ví dụ một con heo trước nay bán từ 90 - 110kg thì cứ duy trì như thế. Không nên nuôi heo từ 120 - 180kg. Vì 1 con heo 180 kg đã gần bằng 2 con heo 100kg.
“Như thế là tự người nuôi đang tăng đàn một cách vô hình. Cả nước đang quan tâm và thị trường chắc chắn sẽ có tín hiệu tốt trở lại”, ông Thắng chia sẻ.
Một loạt các động thái nói trên được triển khai lập tức ngay sau chuyến thân chinh vào Nam tìm đường cứu heo mà Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu.
Trong chuyến công tác này, Thứ trưởng cũng không quên nhắc nhở: “Nâng cao chất lượng chuỗi sản xuất mới là con đường bền vững cho ngành chăn nuôi chứ không phải các biện pháp hành chính hay tình cảm như hiện nay”.