An Dương Thảo Điền liên tục mua cổ phần Công ty Phương Đông
Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã: HAR) vừa thông qua phương án tăng phần vốn góp tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông.
Cụ thể, An Dương Thảo Điền thông qua phương án mua thêm 17,8% vốn tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích của An Dương Thảo Điền tại doanh nghiệp này.
|
"Xà bông Cô Ba", thương hiệu vang bóng một thời. |
An Dương Thảo Điền bắt đầu tham gia đầu tư vào Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông từ năm 2017 khi công bố sẽ mua lại tối thiểu 35% vốn và được quyền mua thêm 20% vốn tại đơn vị này.
Đến ngày 30/9/2020, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông là Công ty liên kết do An Dương Thảo Điền nắm 30,88% vốn, ứng với giá trị đầu tư gốc gần 214 tỷ đồng.
Trước đó, An Dương Thảo Điền đã đăng ký mua lại tối đa 3,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông. Số cổ phiếu mà An Dương Thảo Điền muốn mua vào chiếm 3,45% vốn điều lệ Công ty. Thời gian giao dịch dự kiến từ 4/11 đến 3/12.
Hồi cuối năm 2019, An Dương Thảo Điền đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhưng chỉ giao dịch thành công 2,17 triệu cổ phiếu, giá giao dịch bình quân 4.127 đồng/cp. Nguyên nhân không thực hiện hết số lượng đăng ký là thanh khoản thị trường không đủ đáp ứng.
Xà Bông Cô Ba sẽ trở lại làm mưa làm gió?
Theo tìm hiểu của PV, trước năm 1975 Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông là doanh nghiệp sản xuất “xà bông Cô Ba” nổi tiếng tại miền Nam. Tháng 7/2004, doanh nghiệp cổ phần hóa và có tên gọi như ngày nay.
Nói về “xà bông Cô Ba”, cha đẻ của thương hiệu huyền thoại chính là doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956).
Thời điểm trước năm 1975, thị trường xà bông ở Việt Nam chủ yếu là hàng Pháp nhập vào, gọi chung là xà bông Marseille. Đặc biệt, xà bông trong nước rất ít, chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể. Phần lớn họ sản xuất xà bông “đá” có mùi khó chịu, chỉ để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động.
Đối với “xà bông Cô Ba”, công thức tạo nên lại rất đơn giản, chỉ có 72% là dầu dừa, còn lại là xút và hương liệu.
Đến thời điểm sau năm 1954, không còn xà bông Pháp, “xà bông Cô Ba” cạnh tranh với xà bông Mỹ, đáng kể nhất là xà bông Lifebuoy.
Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và Các con trở thành Nhà máy Hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1995, đơn vị này trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 7/1995, Công ty Phương Đông liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) lập một nhà máy mới ở Sông Bé. Thương hiệu “xà bông Cô Ba” được sử dụng lại nhưng không bán được nhiều.
Do hơn vài chục năm đứt quãng nên thương hiệu “xà bông Cô Ba” cũng mai một trong tiềm thức người tiêu dùng. Năm 2014, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông quyết định hồi sinh “xà bông Cô Ba”. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn rất mờ nhạt giữa thị trường.
Tuy vậy, trước việc Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền rót vốn vào Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu xà bông Cô Ba có trở lại làm mưa làm gió trên thị trường?
Bên cạnh sản xuất, kinh doanh thương mại các loại hóa chất như chất tẩy rửa, nước hoa, mỹ phẩm, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Phương Đông còn cho thuê mặt bằng và sở hữu khu đất gần 10.000 m2 với hai mặt tiền Kim Biên và Gò Công tại trung tâm khu chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM.