Doanh nghiệp đầu đàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế phụ trợ

Google News

(Kiến Thức) - Các doanh nghiệp đầu đàn như Tân Hiệp Phát đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ vừa vừa Việt Nam tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Cần những doanh nghiệp đầu đàn
Theo ông Nguyễn Văn Thân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta hiện chiếm 98%, nhưng ở các nước khác như: Đức, Nhật, Mỹ... là 99%. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa là đa ngành, tất cả các lĩnh vực, nên ổn định nền kinh tế vĩ mô của khối doanh nghiệp này rất quan trọng. Những doanh nghiệp nhỏ nếu kết nối với các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển kinh khủng, còn nếu đi một mình sẽ khó.
Đáng chú ý, để khối doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh, rất cần những doanh nghiệp đầu đàn. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương đó để noi theo. Đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước.
Doanh nghiep dau dan gop phan thuc day phat trien kinh te phu tro
Ông Nguyễn Văn Thân (bên trái) tại buổi tọa đàm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. "Tôi lấy ví dụ câu chuyện của Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như nào thì doanh nghiệp phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội”- ông Nguyễn Văn Thân nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP, trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp thì khu vực tư nhân tạo ra trên 62% việc làm mới tính đến năm 2016. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân không phải chỉ là vốn mà giải quyết việc làm cho lao động vẫn là lực lượng chủ yếu.
Ông Lưu Bích Hồ cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn, mà những năm gần đây, một số tên tuổi rất lớn nổi lên như: Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát. Đây là những doanh nghiệp rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài.
Doanh nghiệp tư nhân: Không lớn hay không thể lớn?
Bình luận về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân không thể lớn. Nêu quan điểm về việc này, bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho hay, theo thống kê của thế giới, trong vòng 5 năm đầu hình thành, 95% doanh nghiệp sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó, họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số doanh nghiệp hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. 
Tất cả các doanh nghiệp đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nắp của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Doanh nghiep dau dan gop phan thuc day phat trien kinh te phu tro-Hinh-2
Bà Trần Uyên Phương phát biểu tại buổi tọa đàm. 
“Riêng đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị quá trình thay đổi, chúng tôi đã phải làm rất nhiều. Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước giải khát đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các doanh nghiệp khác đã tồn tại sẵn rồi, chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó.
Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam”- Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ.
Theo đại diện Tân Hiệp Phát, ở nhiều giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải kìm hãm sự phát triển để dành thời gian sắp xếp, tổ chức lại, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới mà không bị “hẫng”, để có sức cạnh tranh tiếp.
Một trong những việc Tân Hiệp Phát băn khoăn là khi có một vấn đề gì đó về các sản phẩm Việt Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay rằng đó là làm ăn gian dối. Nhưng điều đó xảy ra với một số doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta lại nhìn nhận là có thể có vấn đề gì đó hoặc thông tin không chính xác. Bởi vậy, các doanh nghiệp phải ngày càng phải nỗ lực để chứng minh sản phẩm Việt là sản phẩm tốt và doanh nghiệp Việt đang làm tốt”- bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)