Danh tính 19 "ông lớn" Nhà nước chuyển về “siêu Ủy ban“

Google News

(Kiến Thức) - 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn của Nhà nước sẽ chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. "Siêu Ủy ban"này sẽ quản lý khối lượng vốn lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Theo dự thảo lần 2 Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn của Nhà nước có tên trong danh sách doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban này.
So với dự thảo lần đầu đưa ra lấy ý kiến, danh sách doanh nghiệp Nhà nước chuyển về "siêu ủy ban" không còn Tổng công ty Viễn thông VTC và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
Trong 19 đơn vị chuyển về siêu Ủy ban theo dự thảo mới, có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, SCIC vẫn tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh.
Danh tinh 19
Danh sách các doanh nghiệp nhà nước sẽ chuyển về siêu ủy ban. Ảnh: Vietnamnet. 
18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ Công thương, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông, Giao thông & Vận tải.
7 tập đoàn lớn giữ nguyên như dự thảo lần trước bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
11 Tổng công ty còn lại là: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Dự kiến, Ủy ban này sẽ quản lý khối lượng vốn lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Cũng theo dự thảo mới, việc chuyển giao quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Danh tinh 19
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chuyển về siêu Ủy ban. Ảnh: Vneconomy. 
Cùng với đó, dự thảo Quy chế nêu rõ: Quá trình thực hiện chuyển giao và sau khi đã ký biên bản chuyển giao, trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa hoàn thành sắp xếp, bố trí công tác hoặc ban hành quyết định cử, bổ nhiệm thay thế Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn thì những người đã được cơ quan có thẩm quyền cử, bổ nhiệm trước đó “có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Khi đó, siêu ủy ban thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp kể từ ngày ký Biên bản chuyển giao.
Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)