Trước Tết, các hình ảnh cây đào, cây quất bị chặt nát bươm, bình đựng cây bị đập vỡ tan trên vỉa hè đường Láng, phố Dương Đình Nghệ, phố Trung Kính (Hà Nội)… hay những video quay lại cảnh người bán xô xát với khách vì khách chỉ muốn trả 100.000 đồng cho một cây quất cảnh xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội. Nhiều điểm buôn bán đào, quất đều rơi cảnh ế ẩm.
|
Clip tiểu thương và nhà vườn trồng đào nói về vụ đào Tết Giáp Thìn.
|
Chị Nguyễn Thị Mai Trang (46 tuổi, quê Cao Bằng) đã trồng đào và bán đào được gần chục năm tại Nhật Tân cho hay, năm nay, đào ế vì nhiều yếu tố. Kinh tế nhìn chung khó khăn nên sức mua giảm. Năm ngoái, khách có thể vô tư trả 2-3 triệu đồng để tậu một cành to, hoặc 200.000 đồng cho một cành đào nhỏ. Năm nay, bán cành to 1,5 triệu đồng là họ đã lắc đầu, còn cành nhỏ có khi chỉ bán được 50.000 đồng. Thời tiết thay đổi khá đột ngột từ rét đậm, rét hại sang nắng nóng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đào.
“Để đào phát triển tốt, nhiệt độ phải ổn định trong khoảng từ 17-25 độ C. Rét quá thì đào không phát triển được, lá và nụ bị quăn, sun vào và dễ nát, còn nóng quá thì hoa lại nở bung hết ra. Năm nay còn có cả những cơn mưa muối, làm lá và hoa đào bị hỏng rất nhanh”, chị Trang nói.
Anh Trần Tuấn Việt (48 tuổi), chủ một vườn đào có tiếng ở phường Nhật Tân cho biết, với những chủ vườn có tệp khách hàng riêng là các cơ quan, doanh nghiệp và một số khách cá nhân như anh, tình hình kinh doanh không quá khó khăn do lượng khách ổn định. Giá đào bán cho các cơ quan, doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ khoảng 10-15%, còn về số lượng, hàng của anh vẫn bán hết, thậm chí còn phải nhập thêm về để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
|
Người trồng đào Nhật Tân cắt tỉa cành sau Tết.
|
Tuy nhiên, những chủ vườn chỉ bán buôn thì thiệt hại khá nhiều. “Tôi may mắn không thiệt hại gì, nhưng có những đồng nghiệp của tôi đã thiệt hại tới vài trăm triệu đồng trong vụ đào năm nay”, anh Việt nói.
Ông Bùi Thế Mạnh (61 tuổi) - một trong những nghệ nhân đầu tiên đưa quất bonsai về trồng và bán tại làng quất Tứ Liên - cho biết, tình hình kinh doanh quất tại làng năm nay cũng kém khởi sắc hơn những năm trước. Ngoài những nguyên nhân về kinh tế và thời tiết, làng Quất Tứ Liên hiện cũng đang chịu sự cạnh tranh từ những địa phương khác như Văn Giang (Hưng Yên), Đông Hòa (Nam Định)...
"10 năm trở lại đây, diện tích trồng quất tại làng Tứ Liên đang bị thu hẹp dần do đô thị hóa. Hiện cả làng có khoảng 400 hộ trồng quất, mỗi dịp Tết xuất được khoảng 100.000 cây. Trong khi đó, những địa phương khác có thể xuất được vài trăm ngàn cây mỗi vụ", ông Mạnh cho biết.
|
Nghệ nhân trồng quất Tứ Liên bên những chậu quất còn tồn đọng sau Tết.
|
Theo ông Mạnh và chị Trang, thị trường đào, quất năm nay ế ẩm còn bởi sự ảnh hưởng của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên đang được thi công trên đường Âu Cơ. Hàng rào chắn dài hàng cây số của dự án đã bịt kín lối vào đường Tứ Liên từ đường Âu Cơ. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch để quất cảnh thông thương ra bên ngoài.
Dự án này được triển khai từ tháng 6/2020, dự kiến hoàn thành năm 2021 với tổng vốn đầu tư là 815 tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa thể hoàn thành khiến người dân sinh sống, buôn bán quanh khu vực này gặp nhiều khó khăn.