“Đại gia” Vinachem lỗ hơn 1.000 tỷ: Sa lầy ở dự án nào?

Google News

(Kiến Thức) - 6 tháng đầu năm 2020, Vinachem ước lỗ 1.025 tỷ đồng, trong đó 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.907 tỷ đồng. Các đơn vị khiến Vinachem sa lầy là Đạm Ninh Bình, Đạm Bắc Hà, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến nửa đầu năm 2020.  Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, Vinachem ước lỗ 1.025 tỷ đồng. Trong đó 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.907 tỷ đồng, tăng lỗ 1.326 tỷ đồng; các đơn vị còn lại lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

“Dai gia” Vinachem lo hon 1.000 ty: Sa lay o du an nao?
 Đạm Bắc Hà là một trong 4 đơn vị thua lỗ của Vinachem.  

Không chỉ lỗ đầu năm, theo kế hoạch năm 2020, 4 đơn vị này sẽ tiếp tục lỗ với con số lên đến 2.576 tỷ đồng, tăng 41,5% so với thực hiện năm 2019.

Lý do tăng lỗ được Vinachem đưa ra là do năm 2020 khấu hao cơ bản của các đơn vị này tăng 1.090 tỷ đồng so với thực hiện năm 2019. Tập đoàn Vinachem đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị giãn khấu hao cho 3 đơn vị, nếu được phép giãn khấu hao thì khấu hao cơ bản của các đơn vị này giảm 895,6 tỷ đồng so với khi không được giãn khấu hao và số lỗ giảm còn 1.681 tỷ đồng.

Theo giới đầu tư, 4 dự án thuộc Đề án 1468 là các dự án sa lầy của Vinachem từ khi đầu tư cho đến giai đoạn triển khai và thực hiện. Các đơn vị thuộc đề án có thể kể tên gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai.

Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình bị xếp vào 1 trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công thương vẫn đang ngập đầu trong nợ nần, kinh doanh thua lỗ và tương lai không có điểm sáng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2019, Công ty có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 5.706 tỷ đồng.

Không những vậy, dự án còn có nhiều thông số chưa đạt gồm: chất lượng nước thải của xưởng tổng hợp urê, tiêu hao khí mới cho sản xuất NH3, tiêu hao than cho các lò hơi nhiệt điện, công suất nhiệt điện, tiêu hao NH3 trong xưởng tổng hợp urê.

“Dai gia” Vinachem lo hon 1.000 ty: Sa lay o du an nao?-Hinh-2
Đạm Ninh Bình đến nay vẫn ngập trong nợ nần. 

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng như Đạm Ninh Bình nằm trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương và đã nhiều lần lên tiếng cầu cứu Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Kinh doanh thua lỗ liên tục trong 5 năm qua khiến Đạm Bắc Hà lỗ lũy kế đến cuối quý 1/2020 đã chạm đến con số 3.649 tỷ đồng, vượt 34% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện đã âm hơn 880 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2020, Đạm Hà Bắc dự kiến lỗ khoảng 1.132 tỷ đồng năm 2020. Số lỗ này gần gấp đôi so với số lỗ 637 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng là 2 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém ngành công thương báo lãi trong năm 2019. Cụ thể, năm 2019, DAP số 1 - Hải Phòng  đạt lợi nhuận sau thuế 6,262 tỷ đồng, tuy nhiên, lỗ lũy kế vẫn còn 215,4 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đến nay được đánh giá bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng khi hết năm 2019, vốn chủ sở hữu âm 731,7 tỷ đồng, tổng tài sản là 4.417,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 5.164 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 2.230 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DAP số 2 – Lào Cai gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính chiếm trên 20% giá thành. Do áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn. Đến nay, dự án cũng chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC, chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC.

“Dai gia” Vinachem lo hon 1.000 ty: Sa lay o du an nao?-Hinh-3
Chỉ có DAP số 1 - Hải Phòng có lãi 3 năm qua trong Đề án 1468.  

Khi phân tích khó khăn về vốn của Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, Vinachem cho rằng, 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 tiếp tục khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả, khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1-2,5%. 

Tình trạng thiếu lao động trực tiếp sản xuất làm cho các công ty thuộc nhóm ngành cao su, phân bón mất cơ hội tăng sản lượng sản xuất tại những thời điểm nhu cầu thị trường tăng cao, công tác tuyển lao động mới gặp nhiều khó khăn.

Về thị trường, tiêu thụ sản phẩm phân bón, cao su, pin ắc quy, chất tẩy rửa trong nước tiếp tục cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Asean.

Ngoài ra, thị trường còn khó khăn do gian lận thương mại, biến đổi khí hậu và hiện tượng xâm nhập mặn dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm của tập đoàn.

>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền từ ngân hàng 

Nguồn VTC24 


 

Hà Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)