Đại gia Pakistan nuôi sư tử làm thú cưng

Google News

Ở Pakistan, giới thượng lưu phô trương đời sống xa hoa của mình bằng cách nuôi sư tử và các loài động vật kỳ lạ khác làm thú cưng. Họ xem đó như biểu tượng của sự giàu có.

Bilal Mansoor Khawaja, sở hữu một sở thú tư nhân, cười rạng rỡ khi vuốt ve một con sư tử trắng. Nó là một trong số hàng nghìn loài thú quý hiếm, kỳ lạ tại sở thú của Khawaja ở thành phố Karachi, nơi đông dân nhất Pakistan. Thành phố này là nơi buôn bán động vật hoang dã sầm uất, phục vụ cho giới thượng lưu đeo đầy vàng của Pakistan.
Dai gia Pakistan nuoi su tu lam thu cung
Bilal Mansoor Khawaja đang vuốt ve con sư tử của mình. Ảnh: AFP. 
“Nó thuộc những loài động vật hiếm nhất mà tôi có”, Khawaja tự hào khoe chú sư tử trắng đang bị xích của mình.
Sư tử đi dạo ngoài đường là chuyện thường
Luật pháp Pakistan lỏng lẻo giúp việc nhập khẩu loài thú quý hiếm trở nên dễ dàng. Nhưng quy định về việc nuôi nó như thế nào lại gần như không tồn tại trong quốc gia này.
Điều đó dẫn đến hiện tượng một lượng lớn động vật hoang dã được nhập khẩu hoặc nhân giống trên khắp Pakistan trong những năm trở lại đây, gây ra nỗi kinh hoàng cho nhiều quan chức nước này. Đặc biệt trong số đó phải kể đến loài sư tử, được xem như biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.
Mạng xã hội và báo chí đã tràn ngập những video, bài viết về việc người giàu Pakistan dắt sư tử đi dạo, hay du lịch cùng chúng trên những chiếc SUV sang trọng.
Khawaja ước tính có khoảng 300 con sư tử được nuôi khắp Karachi, một thành phố đông đúc, nắng nóng, giao thông trì trệ, cơ sở hạ tầng hư hỏng, và thiếu không gian xanh.
Dai gia Pakistan nuoi su tu lam thu cung-Hinh-2
Có khoảng 300 con sư tử được nuôi khắp thành phố Karachi. Ảnh: AFP. 
Khawaja gọi những con sư tử và con hổ của mình là những “đồ trang sức vương miện” của bộ sưu tập hơn 4.000 con thú mà anh đã tích lũy trong nhiều năm.
Anh khẳng định bộ sưu tập hơn 800 giống loài của mình không phải để phô trương địa vị hay uy danh mà là vì tình yêu anh dành cho những con thú cưng.
Để chăm sóc đàn thú, Khawaja thuê 30 người làm việc theo ca và 4 bác sĩ thú y. Dù không tiết lộ số tiền cụ thể, Khawaja thừa nhận chi phí cho sở thú của mình là rất lớn. Tuy nhiên, anh chia sẻ rằng việc tốn nhiều tiền hay dính nhiều vết thương nhỏ từ những con vật là hoàn toàn xứng đáng.
“Với mỗi vết thương, tình yêu của tôi dành cho chúng lại càng tăng thêm”, Khawaja nói.
Mảnh đất hơn 36.000 m2 là nơi trú ngụ của ngựa, ngựa vằn, và hồng hạc thuộc sở hữu của Khawaja tọa lạc ngay giữa một khu phố đông đúc, dày đặc dân cư.
Aleem Paracha, một tay buôn động vật quý hiếm, tự nhận mình là một trong 3 nguồn nhập khẩu thú hiếm hàng đầu tại Karachi. Paracha cho biết với khoảng 8.980 USD, anh có thể giao một con sư tử trắng cho khách hàng trong 48 giờ, và điều đó hoàn toàn hợp pháp. 
Theo một hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, bất kỳ loài vật nào nhập khẩu vào Pakistan đều được cung cấp giấy chứng nhận, giấy phép từ các quốc gia gốc và chính quyền.
Paracha cho biết ở Pakistan mạng lưới các nhà lai tạo cũng có thể cung cấp sư tử cho khách hàng, và có ít nhất 30 con được lai giống tại Karachi. “Ở đây, việc chăm nuôi sư tử đang diễn ra rất thuận lợi”, anh nhận xét.
"Phân biệt đối xử" giữa thú bản địa và thú nhập khẩu
Trong khi các loài thú bản địa được bảo vệ quyết liệt tại Pakistan, thì những động vật nhập khẩu không được áp dụng những biện pháp bảo vệ tương tự.
Theo Javed Mahar, người đứng đầu bộ phận động vật hoang dã tỉnh Sindh, chính phủ Pakistan cung cấp những hướng dẫn về việc điều trị hay chọn chuồng cho những loài thú hiếm, nhưng bộ luật về việc lai giống thì chỉ là “sự im lặng”.
Uzma Khan, cố vấn kỹ thuật của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), nói rằng ở Pakistan thậm chí còn không có cơ quan giám sát các sở thú do chính phủ điều hành. Những sở thú này đầy tai tiếng bởi sự bỏ bê, tính cẩu thả.
“Có rất nhiều nhà lai tạo tư nhân và họ hoạt động rất mờ ám”, Khan bổ sung.
Trong khi những người chủ như Khawaja có thể cung cấp đầy đủ thức ăn cho các con thú, thì những người khác được cho là thiếu hụt các nhu yếu phẩm.
Bác sĩ thú ý Isma Gheewala nói rằng trường hợp sư tử bị thiếu canxi đang phổ biến tại phòng khám của cô ở Karachi. Cô đã điều trị từ 100 đến 150 con trong những năm qua.
“Bộ xương của chúng đang trở nên cực kỳ giòn, dễ gãy. Ngay cả việc nhảy cũng khiến chúng bị thương một số xương và phải mất một thời gian dài để phục hồi”, Gheewala chia sẻ.
Cả Paracha và Khawaja đều phản đối những tuyên bố cho rằng việc đưa các loài thú rời xa đời sống tự nhiên và đem nuôi tại Pakistan là gây hại cho chúng.
“Có rất nhiều loài động vật đã tuyệt chủng và đang trên đà tuyệt chủng. Tôi không muốn các thế hệ tương lai không còn được thấy những con thú này”, Khawaja lập luận.
Nhưng các nhà bảo tồn như Khan tại WWF bác bỏ những lập luận như vậy.
“Một con vật sống trong tình trạng nuôi nhốt sẽ không thể phát triển giống như trong tự nhiên. Việc một con thú sống trong chuồng, không săn bắt, không thể hiện được những đặc tính tự nhiên của nó, thì hợp lý ở điểm nào?”, Khan phản bác.
Mời quý độc giả xem video Thú vui xa xỉ của tỷ phú thế giới:
 

Theo Minh Đức/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)