Chưa được cấp phép vẫn nghiễm nhiên bán nước giải khát
Mới đây nhất, theo thông tin trên báo Một Thế Giới, ngay từ đầu năm 2017, Kết luận thanh tra Công ty Pepsico Việt Nam về việc công ty này gia công sản phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam (Bình Dương) khi doanh nghiệp này chưa có Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp đã khiến dư luận bất ngờ,
Thời điểm bắt đầu hoạt động thanh tra Pepsico Việt Nam là ngày 7/9/2016 nhưng phải đến ngày 3/10/2016, Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam mới được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương cho hay: "Về nguyên tắc, khi chưa có giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm - PV) mà đã sản xuất sản phẩm để Pepsico Việt Nam gia công là sai". Theo ông Nguyễn Văn Bán, việc làm sai này phải chịu xử phạt hành chính của nhà nước.
Không những thế, về vấn đề nhãn mác sản phẩm của Pepsico Việt Nam, theo ông Bán, việc chỉ đề “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM” là sai so với quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Trà ô long Tea+ Plus làm từ nguyên liệu Trung Quốc
Đáng chú ý nhất trong những cú “phốt” trên phải kể đến sản phẩm trà ô long Tea+ Plus của Pepsico được quảng cáo sản xuất từ dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản nhưng lại sử dụng nguyên liệu Trung Quốc.
Cụ thể, sự việc được phát giác vào thời điểm đầu năm 2016 qua tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu của Pepsico. Theo đó, tờ khai nhập khẩu của Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam từ tháng 6 đến tháng 12/2015 thể hiện mặt hàng nhập khẩu là “Bột trà ô long-Instant Oolong tea powder SUN60 (Qui cách đóng gói: 20kgs/1 carton)”, nơi nhập khẩu là Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ ghi “CN” (viết tắt China, tức Trung Quốc - PV).
|
Trà ô long Tea+ Plus của Pepsico được quảng cáo chất lượng Nhật Bản nhưng lại sử dung nguyên liệu Trung Quốc. |
Phương thức vận chuyển loại bột trà này là đường biển. Đơn vị đối tác là Công ty SUNTORY BEVERAGE & FOOD ASIA PTE.LTD, Tên doanh nghiệp XNK là Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Từ thông tin trên có thể nhận định, nguyên liệu làm trà ô long TEA+ Plus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế nhưng Pepsico lại quảng cáo trà ô long TEA+ Plus mang chất lượng Nhật Bản khiến người tiêu dùng nghĩ rằng nguyên liệu sản xuất nhập từ Nhật Bản.
Pepsico Việt Nam chắc chắn biết rằng trà ô long TEA+ Plus được người Việt Nam sử dụng phần nhiều vì danh tiếng Trà đạo của Nhật Bản nên họ cố tình đánh lừa người tiêu dùng bằng cách quảng cáo trà chất lượng Nhật Bản nhưng che giấu hoàn toàn nguồn gốc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, cho đến khi vụ việc bị chính người tiêu dùng phát giác.
Liên tục báo lỗ nặng trong khi vẫn khai trương nhiều nhà máy mới
Pepsi là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam và sau đó đã chiếm được thị phần lớn trong ngành công nghiệp nước gaiir khát tại Việt Nam. Thế nhưng thực tế, Pepsico liên tục báo lỗ. Đến Việt Nam đầu tư từ năm 1991 cho tới năm 2007, hầu như năm nào PepsiCo cũng báo lỗ (tới năm 2006 vẫn báo lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng.
Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên Công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế TNDN mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Nghi án chuyển giá, trốn thuế "khủng"
Mặc dù có vốn hàng chục triệu USD, chiếm 80% thị phần nước giải khát cùng Coca Cola nhưng Pepsico Việt Nam vẫn kêu thua lỗ liên miên trong khi vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), và mới đây nhất là Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của đại gia này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD. Chính những mâu thuẫn trong việc kêu lỗ “khủng” nhưng vẫn đầu tư này mà Pepsico bị cơ quan thuế “sờ gáy” với nghi án trốn thuế.
Cụ thể, vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế ra quyết định kiểm tra thuế tại Pepsico Việt Nam, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Đợt kiểm tra này đã thu về ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế giá trị gia tăng 1,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,4 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu nước ngoài là trên 500 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài là 3,2 tỷ đồng.
Chưa hết, đến cuối năm 2013 Pepsico Việt Nam bị cơ quan thuế xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai sai mã số đối với một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể Pepsico Việt Nam bị phát hiện khai sai mã số HS đối với mặt hàng thẻ in bằng plastic đặt trong bao bì sản phẩm, thẻ decal có dán hình đặt trong bao bì sản phẩm, khai sau mã số HS đối với dây chuyền đồng bộ thiết bị xử lý nước và áp dụng sai thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng nhập khẩu.
Theo đó một số mặt hàng phục vụ sản xuất khác được doanh nghiệp nhập khẩu khai báo ở mức thuế 0% và 5% đã được đoàn kiểm tra xác định lại mức thuế suất thuế VAT là 10% theo đúng Biểu thuế suất thuế VAT phù hợp với quy định của Luật thuế VAT. Điều này cũng khiến số thuế VAT mà doanh nghiệp phải nộp khi nhập khẩu tăng là 2,791 tỷ đồng.
Trước vi phạm này, cơ quan thuế quyết định truy thu thuế tháng 7/2013 và đã được PepsiCco Việt Nam chấp hành với việc nộp ngay số thuế nhập khẩu và số thuế VAT thiếu. Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính này được đưa ra với giá trị bằng 10% số thuế phải nộp thêm, tức là khoảng trên 700 triệu đồng.
Tiếp đó, vào ngày 9/2/2015, Cục Thuế TP HCM đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-CT-XP, xử phạt (phạt tiền) và biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB), với tổng số tiền mà DN này phải nộp trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, là 24.340.899.403 đồng gồm: phạt 2.714.276.962 đồng (vì hành vi khai sai thuế TNDN); truy thu thuế TNDN số tiền 18.038.804.138 đồng và tiền chậm nộp tiền thuế 3.587.818.303 đồng (vì hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp).
Cục Thuế TP HCM đã áp dụng tình tiết tăng nặng do Pepsico Việt Nam tiếp tục tái phạm hành vi kê khai sai về ưu đãi đầu tư mở rộng sau khi đã có kết luận và kiến nghị qua kiểm tra của cơ quan thuế cho năm 2011 (do Tổng cục Thuế tiến hành).
Theo 28.000 trang tài liệu mật được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố vào năm 2014, Pepsico cùng nhiều doanh nghiệp khác đang bị nghi chuyển hàng trăm tỷ USD từ nơi phải đóng thuế cao sang Luxembourg, quốc gia có mức thuế thấp hơn hẳn các nước khác để trốn thuế.
Nước uống tinh khiết Aquafina là nước lã
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, "ông lớn" Pepsico cũng nhiều lần tự mình đánh mất uy tín. Hồi tháng 10/2015, người tiêu dùng cả nước lại được phen choáng sốc khi biết tin nước đóng chai Aquafina của Pepsico được quảng cáo là nước uống tinh khiết, nhưng thực chất chỉ là nước máy từ vòi.
Cụ thể, trang tin USA Today (Mỹ) đưa tin hãng nước đóng chai Aquafina đã thừa nhận lấy nước lã công cộng để đóng chai. Theo đó, sản phẩm nước khoáng tinh khiết đóng chai Aquafina cũng không khác gì so với nước vòi thông thường.
Aquafina là một sản phẩm của PepsiCo. Sau những thông tin về nguồn nước sản xuất, hãng này đã buộc phải thêm vào dòng chữ "P.W.S" (Public Water Source - Nguồn nước công cộng) vào nhãn mác của mình.
Trước sự việc này, đại diện hãng Aquafina đã lên tiếng đính chính. Họ thừa nhận việc Aquafina sử dụng nguồn nước công cộng để đóng chai. Nhưng theo họ đó không phải là loại nước xả có ở các nhà vệ sinh, công viên. Mà nước của Aquafina đã trải qua quá trình thanh trùng tinh khiết.
Theo USA Today, ngành công nghiệp nước đóng chai có thể mang lại doanh thu lên tới gần 12 tỷ USD từ 10 tỷ gallon nước trong năm 2012. Con số này tương đương với khoảng 1,22 USD/gallon trên toàn cầu, gấp 300 lần so với nước vòi bình thường. Tuy nhiên, nếu tính cụ thể cả dung tích chai nước khoảng 500ml bán ra thị trường, thì số tiền phải trả sẽ bị đội lên tới 7,5 USD/gallon, gấp 2.000 lần so với nước thường.
Nói cách khác, người tiêu dùng đang phải bỏ ra khoản tiền “đội” lên gấp 2.000 lần để sử dụng nước lã đóng chai.
|
Hình ảnh thí nghiệm test độ sạch của nước tinh khiết đóng chai Aquafina cho thấy mẫu nước này không đạt yêu cầu. |
Trước đó, hồi tháng 5/2015, theo thông tin từ tờ Pakistan Headlines, hai nhãn hiệu nước tinh khiết được cho là hàng đầu là Aquafina và Nestle đã không thể vượt qua bài test về độ sạch khi được một phòng thí nghiệm ở Pakistan kiểm chứng. Thí nghiệm này được thực hiện với 2 cốc nước lấy từ 2 chai nước Aquafina và Nestle còn nguyên niêm phong, hạn sử dụng. Sau đó, các thiết bị đặc biệt được gắn vào 2 cốc nước để kiểm tra. Đáng tiếc là cuối cùng cả hai mẫu thử đều không đạt yêu cầu.
Phát hiện chất gây ung thư trong Pepsi
Hồi tháng 4/2016, người tiêu dùng thế giới bàng hoàng trước thông tin từ Trung tâm Khoa học vì quyền lợi công chúng Mỹ (CSPI) về việc phát hiện chất gây ung thư trong nước giải khát Pepsi. Chất gây ung thư trong Pepsi này viết tắt là 4-MIE. Chất gây ung thư nói trên nằm trong caramel làm màu cho nước giải khát. Thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy, hóa chất này có thể gây ra ung thư phổi, gan, tuyến giáp và bệnh bạch cầu ở chuột.
|
Nước giải khát Pepsi được phát hiện có chất gây ung thư. |
Theo CSPI, nếu các nhà sản xuất không thay đổi chất đang sử dụng thì sau một tháng nữa, trên nhãn các sản phẩm Pepsi và nhiều đồ uống khác sẽ phải xuất hiện mác cảnh báo nguy hại.
Trong một động thái khác, cả hai công ty Pepsi và Coca-Cola đều ra tuyên bố sẽ thay đổi việc sản xuất của chất tạo màu tại California và sau đó tiếp tục mở rộng ra toàn nước Mĩ. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đưa ra thời hạn cho việc thay đổi này.