Chiều ngày 22/3, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác nhận, ngày 22/3, đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Đặng Thanh Bình cùng đồng phạm vì tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng, VNCB).
Trước đó, ngày 8/9/2017, ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.
|
Nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Đặng Thanh Bình vướng vòng lao lý. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo kết quả điều tra, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Tháng 8/2012, ông Đặng Thanh Bình ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB. Thời điểm đó, ngân hàng vẫn mang tên ngân hàng Đại Tín.
Khi đó, Đại Tín được phân loại là ngân hàng yếu kém, cần phải giám sát đặc biệt. Do đó, ông Đặng Thanh Bình ký quyết định thành lập Tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm Tổ trưởng trong giai đoạn tái cơ cấu.
Trong phương án tái cơ cấu có nội dung chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện).
Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh. Điều này đã tạo điều kiện cho nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành và sử dụng VNCB để phạm tội. Dưới điều hành của nhóm cổ đông Thiên Thanh, VNCB bị âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ hơn 38.000 tỷ đồng.
Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện thì VNCB bị xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Dù bị đặt trong tình trạng kiểm soát nhưng trong thời gian là Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh vẫn có thể lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân; gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.
Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB. Trong đó, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB.