Cuộc chơi dược phẩm của các ông lớn: Long Châu “vượt mặt” Pharmacity, An Khang

Google News

Chuỗi bán lẻ nhà thuốc với 3 tên tuổi lớn là Pharmacity, Long Châu và An Khang đều có động thái mạnh mẽ trong việc mở rộng thị trường. Trong diễn biến mới nhất, Long Châu đã thành công “vượt mặt” hai đối thủ cạnh tranh.

Long Châu bứt tốc và vượt mặt
Năm 2017, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã CK: FRT) đánh dấu việc gia nhập ngành dược bằng việc mua lãi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu. Tháng 11/2018, FRT thành lập CTCP Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) - động thái được cho là nhằm đẩy mạnh tốc độ mở rộng chuỗi nhà thuốc.
Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, doanh thu bán hàng của Long Châu có xu hướng tăng trưởng rõ rệt. Theo đó, năm 2019 doanh thu Long Châu đạt 511 tỉ đồng, chỉ chiếm 3% tổng doanh thu của FPT Retail. Đến nửa đầu năm 2022, doanh thu của chuỗi đã lên tới 4.008 tỉ đồng, đóng góp đến 35% doanh thu cho công ty mẹ.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT ghi nhận doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 29% kế hoạch doanh thu năm 2022. Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương doanh thu mỗi ngày khoảng 24 tỷ đồng.
Cuoc choi duoc pham cua cac ong lon: Long Chau
Doanh số của Long Châu đạt gấp đôi so với Pharmacity và An Khang
Chuỗi nhà thuốc Long Châu còn dự kiến vẫn tiếp tục mở rộng thị phần với ít nhất có khoảng 800 cửa hàng vào cuối năm nay và đóng góp lợi nhuận khoảng 50-100 tỷ đồng.
Đáng ngạc nhiên hơn, là Long Châu đang tỏ ra vượt trội hơn về mức doanh số bình quân trên mỗi cửa hàng đạt đến 1,4-1,5 tỷ đồng/tháng. Đây là con số cao hơn gấp đôi so với Pharmacity hay An Khang.
Pharmacity - dẫn đầu về số lượng nhà thuốc
Trong số các thương hiệu nhà thuốc lớn, Pharmacity vẫn đang dẫn đầu về độ phủ với 1.093 nhà thuốc (tính đến ngày 25/9). Chuỗi được hậu thuẫn bởi Mekong Capital đặt mục tiêu khá tham vọng có 5.000 cửa hàng vào năm 2025.
Tính tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của Pharmacity là 2.565 tỷ đồng, so với chỉ 405 tỷ đồng của năm trước đó. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh dù công ty tiếp tục lỗ, một phần do tăng vốn điều lệ từ 528 tỷ đồng lên 927 tỷ đồng và chủ yếu nhờ khoản thặng dư vốn cổ phần tăng từ 888 tỷ đồng lên 3.012 tỷ đồng.
CEO Pharmacity Chris Blank từng chia sẻ trong một sự kiện năm 2020 rằng: "Thất bại một năm trở lại đây của Pharmacity là số lượng hàng hoá cung cấp ra thị trường không đủ, khách hàng phàn nàn nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là kho dự trữ quá nhỏ và luôn quá tải. Do đó, để đáp ứng mục tiêu mở mới một cửa hàng/ngày hướng đến đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021, Pharmacity đã tìm hiểu các đối tác về chuỗi cung ứng tại Việt Nam".
Cuoc choi duoc pham cua cac ong lon: Long Chau
Số lượng nhà thuốc của Pharmacity vượt trội so với các đối thủ 
Để thực hiện tham vọng này, Pharmacity đã hợp tác với công ty DH Logistic Property Việt Nam (thuộc Tập đoàn Daiwa House, Nhật Bản) mở trung tâm phân phối hàng hóa tại khu công nghiệp Lộc An (Đồng Nai) với diện tích thuê 10.635 m2 trong 20 năm. Tổng số tiền Pharmacity đầu tư vào dự án này khoảng 3 triệu USD.
Tuy nhiên, sự bổ sung này vẫn chưa giúp cho hoạt động kinh doanh của Pharmacity có lãi. Bên cạnh đó, ông Chris Blank từng chia sẻ người Việt Nam chưa quen với kiểu mua sắm "lai" giữa nhà thuốc và cửa hàng tiện lợi của Pharmacity, dù công ty từng đưa ra các chương trình khuyến mại để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng Pharmacity vẫn không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng. Đặc biệt chỉ trong quý 1/2022, Pharmacity đã mở mới đến 200 nhà thuốc. Đến hết năm 2022, đơn vị này phấn đấu đạt 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người.
An Khang "rục rịch" với chiến lược mới
Thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang vào cuối năm 2017 (sau đó đổi tên thành An Khang), nhưng Thế Giới Di Động vẫn chưa đủ tự tin mở rộng. Số lượng nhà thuốc An Khang dường như giậm chân tại chỗ suốt 3 - 4 năm sau khi thâu tóm.
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động nhiều lần cho biết kinh doanh nhà thuốc tại Việt Nam có nhiều quy định chưa rõ ràng, chẳng hạn cùng một chuỗi nhưng cửa hàng là do cá nhân đăng ký kinh doanh, mà không phải doanh nghiệp, nếu đầu tư bài bản có thể gặp rủi ro pháp lý. Do đó, tính đến đầu năm 2020, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ lũy kế vài tỷ đồng.
Phải đến sau đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, An Khang mới liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc. Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2022, mỗi tháng hệ thống mở mới trên dưới 100 cửa hàng. Với tốc độ vũ bão chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, hệ thống đến nay đã cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc bộ.
Cuoc choi duoc pham cua cac ong lon: Long Chau
 An Khang có vẻ "lép vế" hơn so với 2 đối thủ lớn
Điều này cho thấy, sau thời gian thăm dò cũng như thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, Thế Giới Di Động đã thực sự nghiêm túc đề ra chiến lược phát triển với tham vọng vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Dù bước vào lĩnh vực này từ năm 2017 và mở rộng chậm hơn so với các đối thủ, An Khang vẫn thể hiện tiềm lực mạnh mẽ khi tiến thẳng top 3 nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất hiện nay chỉ trong vòng nửa năm khởi động.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ thêm: “Tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của Ban giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. Hơn ai hết, tôi cảm nhận được “hơi thở” của chuỗi này như thế nào và vì thế tôi có thể tin tưởng cuối năm nay An Khang sẽ có lời”.
Trước đó, nhà bán lẻ cũng thực hiện đồng bộ hàng loạt những thay đổi - từ nhận diện thương hiệu thống nhất sang màu xanh - trắng trẻ trung; bài trí lại cửa hàng với không gian mở trong diện tích trung bình 40 m2; đảm bảo nguồn thuốc đầy đủ và đa dạng hóa các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Theo SSI Research, mặc dù đều là các chuỗi bán lẻ dược phẩm nhưng cơ cấu ngành hàng của 3 chuỗi này khác nhau. Nếu như Pharmacity có tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc chiếm lên đến hơn 70% thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. An Khang hiện cân bằng giữa hai nhóm. Ngoài dược phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, Pharmacity còn bán các sản phẩm ở mảng như chăm sóc cá nhân, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé…
Theo SSI Research, Long Châu có khoảng 12.000 loại sản phẩm, cao hơn 1.000-2.000 sản phẩm so với hiệu thuốc nhỏ, cho phép đáp ứng nhiều hơn cho các nhu cầu về chữa bệnh mãn tính. Chuỗi này còn có lợi thế liên kết chặt chẽ với các bệnh viện tại TP.HCM nên có dự báo chính xác hơn về nhu cầu từng loại thuốc.
Lợi thế cạnh tranh của An Khang là có năng lực tài chính mạnh mẽ hơn từ tập đoàn mẹ để tăng tốc mở mới, tận dụng tập khách hàng có sẵn từ các chuỗi hàng điện tử và bách hóa để bán chéo sản phẩm.
Trong khi đó Pharmacity lại chứng kiến biến động nội bộ với thông cáo là trong quá trình tối ưu hóa hoạt động. Nhà sáng lập Chris Blank đã chính thức rời khỏi vị trí tổng giám đốc kể từ đầu tháng 9 và được thay thế bởi bà Trần Tuệ Tri, số lượng cửa hàng cũng bị giảm sút trong thời gian vừa qua.

Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)