Cty Việt Hàn sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh: Có thể bị xử lý hình sự

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan vụ Công ty TNHH Việt Hàn sản xuất khẩu trang y tế bằng giấy vệ sinh thay vải lọc kháng khuẩn, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết: "Trong trường hợp các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định".

Dư luận đang vô cùng bức xúc trước sự việc chiều ngày 13/2, trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn (ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) sản xuất khẩu trang y tế bằng giấy vệ sinh thay vải lọc kháng khuẩn.
Một nam thanh niên tên Nguyễn Văn Long (thợ kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Hàn) cho biết, trước đó đã mua một cuộn giấy vệ sinh với trọng lượng 40kg từ Bắc Ninh đem về cơ sở ở xã Minh Cường. Số giấy này được đưa vào máy để sản xuất thành khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn. Với số lượng 40kg giấy vệ sinh sẽ sản xuất ra khoảng 2-3 thùng, mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc (tương đương 5.000-7.500 chiếc khẩu trang…
Cty Viet Han san xuat khau trang bang giay ve sinh: Co the bi xu ly hinh su
Hình ảnh cơ quan chức năng "đột kích", bắt quả tang Công ty TNHH Việt Hàn sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh trước đó.
Cty Viet Han san xuat khau trang bang giay ve sinh: Co the bi xu ly hinh su-Hinh-2
Sản phẩm khẩu trang được Công ty TNHH Việt Hàn đưa ra thị trường. 
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của sự việc, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế là một loại hình kinh doanh có điều kiện.
Khẩu trang y tế được xem là khẩu trang bảo vệ sức khỏe, theo quy định phải sử dụng vải tiệt trùng vì mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế được xác định là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP như: điều kiện của người phụ trách chuyên môn; Về cơ sở vật chất, thiết bị và quản lý chất lượng của cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế...
Việc sản xuất khẩu trang y tế sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh, không sử dụng vải tiệt trùng dẫn đến không có tác dụng bảo vệ sức khỏe đúng như mục đích của mặt hàng.
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn: Theo quy định tại nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì Công ty TNHH Việt Hàn có đã có hành vi sản xuất hàng giả:
Cụ thể: Khoản 8 Điều 3: “Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;..”
“Theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định này thì hành vi sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả, không có giá trị sử dụng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Và áp dụng một số biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm”, vị luật sư nói.
Cty Viet Han san xuat khau trang bang giay ve sinh: Co the bi xu ly hinh su-Hinh-3
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Vị Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa tiếp tục cho biết: Trong trường hợp các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Theo luật sư Hoàng Tùng, ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
“Hành vi sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh của Công ty TNHH Việt Hàn, đặc biệt là trong cảnh dịch bệnh hoành hành, khan hiếm khẩu trang không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn vi phạm đến đạo đức kinh doanh. Ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh hiện tại. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm này”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Đoàn Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)