Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ tháng 7/2022.
Trong biểu lãi suất mới, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, các khách hàng gửi tiền tại Agribank sẽ được hưởng lãi suất 5,6%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với trước đó. Đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có đợt tăng lãi suất mạnh trong tháng 7/2022. Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy ACB điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 9 tháng, tăng 0,6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng, tăng 0,8%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.
Những khách hàng khi gửi tiền qua kênh online cũng được các ngân hàng ưu ái hơn. Trong đợt điều chỉnh này, ở kỳ hạn 6 và 12 tháng, ACB cũng nâng lãi suất tiết kiệm online thêm 0,3%/năm và 0,5%/năm cho kỳ hạn 9 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được nhiều ngân hàng tăng mạnh để hút tiền nhàn rỗi từ người dân
Cùng với đó, nhiều ngân hàng thương mại khác đã điều chỉnh tăng lãi suất như Techcombank, TPBank, Sacombank, MBBank… Theo đó, mức lãi suất huy động hơn 7%/năm đã xuất hiện ở kỳ hạn tiết kiệm dài tại hơn chục ngân hàng.
Theo khảo sát, tại kỳ hạn 1-3 tháng có thêm nhiều ngân hàng áp dụng mức trần lãi suất 4%/năm như SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank, PVCombank, GPBank, Sacombank và có thêm sự gia nhập của SHB, VIB, MSB áp dụng cho hình thức gửi trực tuyến. Theo đó, với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn này, khách hàng thu được số tiền lãi từ 340.000 đến 998.000 đồng (tùy kỳ hạn gửi).
Đối với các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, lãi suất khi gửi tiết kiệm 3 tháng dao động trong khoảng 3,3-3,4%. Cụ thể lãi suất của Vietcombank là 3,3%/năm; 3 ngân hàng còn lại đều 3,4%/năm. Với 100 triệu đồng, số tiền lãi khách hàng nhận được chỉ từ 822.000 đồng - 847.000 đồng.
Từ kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giữa các nhà băng có sự chênh lệch tương đối lớn khi lãi suất huy động dao động từ 4-6,8%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về CBBank với 6,8%/năm. Tiếp ở nhóm sau là BacABank với 6,35%/năm, BaoVietBank là 6,2%/năm, VIB là 6,1%/năm… Với 100 triệu đồng, số lãi khách hàng nhận được cao nhất lên đến 3,39 triệu đồng.
Riêng đối với hình thức gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng, khách hàng có thể được hưởng lãi suất cáo nhất là 6,85%/năm của SCB; 6,45%/năm của BacABank,… với hình thức gửi tiết kiệm online, số tiền lãi khách hàng thu được cao nhất là 3,415 triệu đồng.
Ở kỳ hạn 12 tháng, các nhà băng cũng tăng lãi suất thêm từ 0,3%/năm trở lên. Hiện có khoảng 16 ngân hàng đang có mức lãi suất từ 6% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng. Vị trí dẫn đầu vẫn là gương mặt thân quen SCB với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online. Với 100 triệu đồng, khách hàng có thể nhận được tới 7,3 triệu đồng tiền lãi sau một năm.
Trong khi đó, NamABank tiếp tục duy trì mức lãi suất 7,2%/năm đối với hình thức gửi trực tuyến, CBBank là 7,15%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Ngoài ra, một số ngân hàng khác có mức lãi suất dưới 7% như BacABank (6,8%/năm), BaoVietBank (6,65%), VietABank (6,6%/năm), VietCapital Bank (6,4%)…
Với kỳ hạn 13 tháng, ABBank có lãi suất huy động tài quầy cao nhất lên tới 8,3%/năm tương đương khách hàng có thể nhận được hơn 9 triệu đồng tiền lãi với số tiền chỉ 100 triệu đồng. CBBank đứng ngay phía sau khi có lãi suất huy động là 7,2%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng, ngôi vị quán quân thuộc về SCB với mức lãi suất huy động 7,45%, tương đương khách hàng nhận được hơn 8 triệu đồng tiền lãi cho số tiền 100 triệu đồng. Những ngân hàng có lãi huy động trên 7%/năm ở kỳ hạn này có thể kể đến Bắc Á, CBBank, Nam Á Bank.
Với các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng cao nhất khi áp dụng mức lãi suất 7,55%/năm khi gửi tiết kiệm online. Với 100 triệu đồng, số tiền lãi khách hàng thu được từ 11,3 triệu đồng đến 22,6 triệu đồng.
Những ngân hàng có lãi suất huy động trên 7%/năm ở kỳ hạn này có thể kể đến những cái tên khác như Bảo Việt, CBBank, Kiên Long Bank, VRB, Bắc Á, Nam Á Bank, PVCombank và SHB.
Trong báo cáo gần đây của VNDirect, các chuyên gia nhận định trong năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu huy động vốn lên cao dựa trên tín dụng tăng trưởng, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán…và nhất là áp lực lạm phát.