Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (CNG) ghi nhận doanh thu Q4/2023 đạt 746 tỷ đồng (-19% YoY), LNST đạt 36 tỷ đồng (+37% YoY). Lũy kế cả năm 2023, CNG ghi nhận doanh thu 3,112 tỷ đồng (-26% YoY) và LNST 103 tỷ đồng (-13% YoY).
Doanh thu Q4/2023 suy giảm do nhu cầu giảm theo kinh tế chung và giá bán cũng không thuận lợi theo giá dầu Brent. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 11.5% (cùng kỳ 8.7%) nhờ giá khí đầu vào giảm. Lợi nhuận tăng tích cực hơn còn nhờ chi phí tài chính giảm 20% YoY (vay nợ giảm) và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29% YoY. Chúng tôi cũng lưu ý chi phí bán hàng tăng 39% YoY.
Điểm tích cực là cơ cấu nguồn vốn CNG tiếp tục lành mạnh, tổng nợ vay cuối Q4/2023 là 48 tỷ đồng (-32% YoY, -11% QoQ). Tỷ lệ Nợ vay/VCSH ở mức 0.08 lần, rất an toàn. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 397 tỷ đồng, tương đương 34% tổng tài sản, tương đương 11,299 đồng/cổ phiếu.
Theo Yuanta giá bán của sẽ được tính toán neo theo % giá dầu Brent, do đó CNG sẽ hưởng lợi khi giá dầu Brent tăng cao.
Giá dầu dự kiến sẽ giữ ở mức cao trong năm 2024 nhờ vào các yếu tố như hành động cắt giảm sản lượng của OPEC+, vấn đề Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn dẫn đến nhu cầu dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi.
|
Biểu đồ biên lợi nhuận CNG |
Biên lợi nhuận của CNG có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn từ quý 2 năm 2023 đến quý 4 năm 2023, đạt mức cao nhất là 12%. Tuy nhiên, ngay sau đó, biên lợi nhuận có xu hướng giảm từ quý 1 năm 2023 đến quý 2 năm 2024, xuống mức dưới 6%. Xu hướng giảm GPM trong thời gian gần đây là một tín hiệu tiêu cực cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với việc giá dầu tăng mạnh từ đầu năm đến nay, Yuanta kỳ vọng CNG sẽ ghi nhận KQKD Q1/2024 khá tích cực nhờ biên lợi nhuận cải thiện khi hàng tồn kho (HTK) tăng cao, doanh thu kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi kinh tế hồi phục và nhu cầu tăng từ các doanh nghiệp FDI.
Mảng LNG mới hứa hẹn đóng góp tích cực
CNG đã chính thức cung cấp LNG tới những khách hàng đầu tiên từ giữa tháng 3/2024. Đây là bước đi quan trọng đánh dấu sự tham gia của CNG vào thị trường LNG đầy tiềm năng. Mảng LNG mới hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của CNG từ quý 2/2024.
CNG lợi thế cạnh tranh trong mảng LNG như nắm giữ 70% thị phần khí CNG tại Việt Nam; sở hữu hệ thống phân phối CNG sẵn có, bao gồm xe bồn và đường ống đến các khu công nghiệp. Với việc cung cấp LNG, CNG có thể tận dụng xu hướng “xanh hóa ngành khí” và mở rộng thị trường sang các khách hàng mới. Hệ thống phân phối sẵn có sẽ giúp CNG tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tốc độ triển khai mảng LNG.
Nhu cầu sử dụng khí đốt, bao gồm cả LNG, dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới do kinh tế phục hồi và dòng vốn FDI mạnh mẽ. CNG đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng khí bình quân 11% - 13%/năm trong giai đoạn từ 2023 - 2025. Sau đó, sản lượng khí cung cấp bình quân giai đoạn 2026 - 2030 cao hơn 75% so với mức trung bình giai đoạn 2022 - 2023. Với những lợi thế và tiềm năng phát triển, CNG được kỳ vọng sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng trưởng 24,7%
|
Bảng định giá CNG |
Yuanta giữ nguyên phương pháp định giá CNG bằng 2 phương pháp P/E và P/B, tỷ trọng 50% mỗi phương pháp. Mức P/E và P/B dự phóng lần lượt là 10.92x và 1.95x, tương đương mức trung bình 2 năm +1SD.
Kết quả dự phóng trung bình là 43,893 đồng/CP, gần như không thay đổi so với báo cáo gần nhất. Theo đó, Yuanta đưa ra khuyến nghị MUA đối với CNG với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng +24.7% so với giá đóng cửa ngày 28/3.