Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, về 2.270 tỷ đồng. Do giá vốn được cải thiện nên lãi gộp đạt hơn 97 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong kỳ, Ricons ghi nhận sự đột biến của doanh thu hoạt động tài chính lên gần 229 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ, chủ yếu do được chia cổ tức tới 195 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng 3 lần (đạt 37 tỷ đồng), cùng với lỗ trong công ty liên kết hơn 44 tỷ đồng và đặc biệt là việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 6 lần cùng kỳ (đạt gần 252 tỷ đồng) do Ricons trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 213 tỷ đồng. Do đó, Ricons ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 8 tỷ đồng (trong khi quý IV/2022 Ricons lãi hơn 4 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác 23 tỷ đồng, chủ yếu là hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình, Ricons mới thoát lỗ và báo lãi trước thuế 15 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Sau khấu trừ chi phí, Ricons báo lợi nhuận sau thuế còn 9,6 tỷ đồng, giảm 6%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) gần 6 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Ricons đạt gần 7.575 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 188 tỷ đồng, giảm 8%. Ricons báo lãi sau thuế ghi nhận gần 83 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước (trong đó lãi thuộc về công ty mẹ là 79 tỷ đồng). So với kế hoạch cả năm, Ricons vẫn vượt 26% chỉ tiêu doanh thu và 58% chỉ tiêu lợi nhuận.
|
Cắt giảm gần 200 nhân viên, tài sản Ricons thay đổi sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Dự phòng tăng vọt, nợ phải trả gấp 2,19 lần vốn chủ sở hữu
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Ricons đạt hơn 7.866 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm và phân bổ tập trung ở dạng tài sản ngắn hạn với gần 6.829 tỷ đồng, chiếm 87% cơ cấu tài sản. Trong đó, nổi bật là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 4.137 tỷ đồng, giảm 11%, chiếm 53% tổng tài sản.
Đặc biệt, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (được lập cho các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã quá hạn và công ty nhận định là khó có khả năng thu hồi) tăng gấp 13 lần so với đầu năm, lên hơn 250 tỷ đồng. Đối tượng trích lập dự phòng chính là Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) với 227 tỷ đồng.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, ngày 24/7/2023, Ricons đã gửi đơn lên tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons vì cho rằng Coteccons không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn với Ricons. Tại ngày 31/12/2023, dư nợ của Coteccons với Ricons ghi nhận hơn 322 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho trong năm của Ricons chủ yếu là chi phí xây dựng công trình dở dang đã giảm 18%, còn 758 tỷ đồng, trong đó, chi phí dự án sân bay Long Thành ghi nhận gần 94 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng cao lên 288 tỷ đồng, gấp 22 lần đầu năm.
Đáng nói, lượng tiền của Ricons tăng đáng kể, tăng 25% so với đầu năm, lên 1.343 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 689 tỷ đồng và tiền gửi tại ngân hàng tại khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 654 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần đầu năm.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Ricons tại thời điểm cuối năm 2023 đạt gần 5.404 tỷ đồng, giảm gần 7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn của Ricons đạt hơn 609 tỷ đồng, giảm 19%, công ty không phát sinh nợ vay dài hạn. Đáng chú ý, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt gần 791 tỷ đồng, gấp 2,5 lần đầu năm, trong đó, gần 503 tỷ đồng đến từ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (mã: ACV).
Kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của Ricons đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Ricons là 2,19 lần, cải thiện phần nào so với hệ số đầu năm là 2,4 lần. Ricons còn hơn 515 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xét về dòng tiền, năm 2023, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Ricons chỉ dương 9,5 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư cũng chỉ dương 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 168 tỷ đồng, do đó, lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 119 tỷ đồng.