3 liên danh cạnh tranh gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành

Google News

Trong 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án, duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh là Công ty CP Xây dựng Coteccons. 2 nhóm còn lại do nhà thầu Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tất cả các nhà thầu xây dựng tham gia vào ba liên danh đều là các tên tuổi lớn, có năng lực với đội ngũ lớn, chất lượng và có kinh nghiệm thi công đa dạng từ xây dựng dân dụng, cơ sở hạ tầng cho đến xây dựng công nghiệp. Đây có thể nói là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm các nhóm nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng dân dụng đang nguội lạnh vì thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Gian nan tìm nhà thầu
Theo tìm hiểu, gói thầu 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I) có tổng giá trị 35.233 tỷ đồng và là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Ngày 8/11/2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đã mở lần đầu với 1 liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
3 lien danh canh tranh goi thau 35.000 ty San bay Long Thanh
3 liên danh cạnh tranh gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành (ảnh minh họa: Internet). 
Ngày 19/1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng, giá bán mỗi bộ hồ sơ mời thầu là 120 triệu đồng, ấn định đóng thầu vào ngày 28/3. Sau đó, ACV gia hạn thời gian mời thầu thêm 1 tháng, kéo dài tới ngày 28/4; sau đó lại tiếp tục gia hạn tới ngày 12/6.
Cùng với gia hạn thời gian mời thầu lần thứ 2 này, ACV cũng điều chỉnh hồ sơ mời thầu, trong đó có việc kéo dài thời gian triển khai gói thầu từ 33 tháng lên 39 tháng nhằm thu hút thêm nhà thầu tham dự. Với việc gia hạn thời gian thực hiện gói thầu nhà ga hành khách lên 39 tháng, thời gian hoàn thành dự án cũng phải lùi từ năm 2025 sang năm 2026.
Năng lực của các liên danh ra sao?
Ngày 12/6 vừa qua, ACV đã chính thức đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10. Theo thông tin trên Cafef, có 3 nhóm liên danh nộp hồ sơ dự thầu dự án này gồm: Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, liên danh Hoa Lư và liên danh VIETUR. Trong đó, duy nhất liên danh Hoa Lư có nhà thầu trong nước đứng đầu liên danh là Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD).
Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu. Nếu thuận lợi, tháng 9 tới có thể khởi công phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Trong liên danh dự thầu, về liên danh thứ nhất là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, China Harbour Engineering Comopany Limited (CHEC) là công ty đứng đầu liên danh, có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Công ty này từng thi công nhiều dự án quy mô lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi.
CHEC là công ty thành viên và là đại diện ở thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), xếp hạng 93 trong Danh sách Fortune Global 500 năm 2019. CHEC hiện có hơn 90 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 100 quốc gia, khu vực trên thế giới, giá trị của các hợp đồng đang thực hiện đạt 30 tỷ USD, doanh thu năm 2018 đạt 6.17 tỷ USD, số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến 15.000 người.
Tại Việt Nam, CHEC gia nhập thị trường từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD.
Ngoài ra, trong liên danh này còn có một doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đến từ Trung Quốc - công ty Beijing Construction Engineering Group Co,Ltd (BCEG). Đây là doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu tại Trung Quốc và đang hoạt động trên phạm vi 27 quốc gia. Cũng giống như CHEC, BCEG có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, liên danh Hoa Lư do Công ty CP Xây dựng Coteccons dẫn đầu tập hợp nhiều nhà thầu xây dựng có tiếng của Việt Nam bao gồm: Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hoà Bình. Trong đó, Coteccons, Hòa Bình, Delta, Unicons lần lượt xếp hạng 1, 2, 6,7 trong Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2023 theo xếp hạng của Vietnam Report.
Đáng chú ý, Coteccons là một doanh nghiệp xây dựng đứng đầu trong ngành. Sau giai đoạn lùm xùm dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đang đi vào quỹ đạo ổn định với những chiến lược phát triển mới. Mảng hạ tầng, các dự án về sân bay, cao tốc và đường bộ sẽ là trọng tâm theo đuổi của Coteccons. Đây là ba trụ cột chính để hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD về doanh thu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mới đây, Coteccons cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác toàn diện với 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, BIDV và MB bank để thu xếp nguồn vốn cho các dự án hạ tầng trong tương lai. Tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Coteccons chỉ ở mức 1,3 lần, thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 3,5 lần so trung bình ngành.
Công ty nước ngoài duy nhất trong liên danh Hoa Lư là Powerline Engineering Public Company Limited (Thái Lan) từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty gồm thi công hệ thống điện, điều hòa không khí, hệ thống ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, bệnh viện, nhà máy công nghiệp, khu phức hợp mua sắm và sân bay. Doanh thu mảng cơ điện (M&E) của PLE khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng/năm…
Còn liên danh thứ ba đó là Liên danh VIETUR bao gồm 10 thành viên, cụ thể: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng số 1, Công ty CP Kết cấu ATAD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Trong đó, IC ISTAS trực thuộc Tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ. Doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga,... Đáng chú ý, công ty này từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari,... Tuy nhiên, IC Istas đang kéo dài kinh doanh lỗ trong nhiều năm, nợ vay ròng trên vốn chủ cao khoảng 70%.
Ngoài ra, trong liên danh VIETUR, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). cũng là nhà thầu đã có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, cầu,... Mới nhất, liên danh do Vinaconex đứng đầu đã hoàn thành xong gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (giá trị gần 2.300 tỷ đồng)…
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)