Cấm cư dân vào ở chung cư Phú Hoàng Anh: Trách nhiệm BQT sao?

Google News

 Theo luật sư Hoàng Tùng, nếu cư dân mua căn hộ tại tầng 2 chung cư Phú Hoàng Anh là hợp pháp, nhưng vẫn bị ban quản trị ngăn cản, không cho vào ở thì ban quản trị có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Liên quan đến sự việc ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) ngăn cản cư dân vào ở nhà mình, ngày 9/3, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho báo chí biết Công an huyện Nhà Bè đã vào cuộc xử lý.
Dưới góc độ pháp lý liên quan đến sự việc, trao đổi với PV luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (thuộc đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng các bên liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của ban quản trị và của chủ đầu tư trong vụ việc này.
Trường hợp chủ đầu tư mà lừa dối khách hàng mua căn hộ tại tầng 2 chung cư Phú Hoàng Anh, khi tầng này được quy hoạch là khu sinh hoạt cộng đồng, có thể chủ đầu tư sẽ phạm vào tội lừa đảo do cung cấp thông tin không chính xác cho khách hàng.
Trường hợp cư dân mua căn hộ tầng 2 chung cư Phú Hoàng Anh là hợp pháp, có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng), nhưng vẫn bị ban quản trị chung cư này ngăn cản, không cho vào ở nhà mình thì ban quản trị có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Cụ thể, ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh đã vi phạm điểm C Khoản 1 Điều 158 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi được quy định rõ ràng: “Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ”.
Cam cu dan vao o chung cu Phu Hoang Anh: Trach nhiem BQT sao?
Chung cư Phú Hoàng Anh do Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư.
Trước đó, 4 người dân mua 6 căn hộ (lần lượt là 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, 2.5, 2.6) tại tầng 2, khu D của chung cư Phú Hoàng Anh do Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư, đã gửi đơn phản ánh đến báo chí rằng họ bỏ tiền tỷ mua các căn hộ trên nhưng bị ban quản trị ngang nhiên cấm cửa cả năm không cho vào ở. Trong khi, các căn hộ nói này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận chủ quyền.
Diễn biến liên quan trước đó, ngày 20/12/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM có công văn trả lời chủ đầu tư rằng, việc bố trí các căn hộ tại tầng 2 chung cư Phú Hoàng Anh là phù hợp với thiết kế được duyệt. Sau đó, Sở tiếp tục có 3 văn bản khẳng định thiết kế là đúng, yêu cầu UBND huyện Nhà Bè phối hợp để mở cửa giao nhà cho cư dân.
UBND huyện Nhà Bè cũng yêu cầu ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các hộ dân, mở cửa cho người dân vào ở, sử dụng căn hộ theo quy định nhưng ban quản trị vẫn cản trở, không cho cư dân sử dụng căn hộ của mình.
Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)