Bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ
Đã có những câu chuyện nuôi cá chép và các loại thủy hải sản khác lạm dụng chất kháng sinh hoặc được bảo quản bằng cách tẩm ướp phân urê. Vì thế, nhiều người chuyển sang săn lùng các loại cá chép sông tự nhiên vì nghĩ sẽ thơm ngon, an toàn hơn hẳn so với cá chép nuôi.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều tiểu thương bán cá chép hám lợi vẫn sẵn sàng gắn mác "cá sông nuôi" thành "cá sông tự nhiên" xịn để lừa khách hàng. Thực tế tại các chợ hay trên chợ mạng, các loại cá chép nuôi được rao bán khá nhiều.
|
Trứng của cá chép đồng nằm sát đáy bụng trong khi cá nuôi trứng nằm hết ở bụng trên. |
Vì vậy, người bán cá khuyên khi đi mua tôm cá cua ếch đồng, nhất là cá chép đồng, người tiêu dùng cần nhận dạng đúng, tránh mua nhầm. Trứng của cá chép đồng nằm sát đáy bụng trong khi cá nuôi trứng nằm hết ở bụng trên. Ngoài ra, cá chép sông da hơi vàng, da bụng hồng.
Đội lốt gạo tám Điện Biên lừa người tiêu dùng
Gạo tám Điện Biên là một trong những đặc sản ở Tây Bắc, bởi độ dẻo thơm hơn hẳn những loại gạo tám khác. Lợi dụng sự nổi tiếng của loại gạo này, rất nhiều cửa hàng chuyên sỉ và lẻ gạo đã mượn thương hiệu gạo tám Điện Biên, đánh tráo bằng các loại gạo khác.
Gạo tám Điện Biên có đặc điểm là khi nấu cho ít nước và khi ăn sẽ khô và dẻo thơm. Vì vậy, người bán sẽ trộn các loại gạo để có được vị gạo tương đối chuẩn giống gạo tám Điện Biên.
Người tiêu dùng như lạc vào mê cung cùng các loại gạo mà không thể phân biệt đâu là gạo đúng chất lượng với mức giá hợp lý họ phải trả.
Nho rụng lìa cành, giá 1 triệu/kg vẫn tranh nhau mua
Trên fanpage một cửa hàng bán trái cây nhập khẩu ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa đăng bán nho rụng lìa cành giá 1 triệu đồng/kg. Chỉ khoảng 30 phút sau, gần 10kg nho rụng này đã được khách tranh nhau mua hết sạch.
|
Nho mẫu đơn rụng lìa cành. |
Nhân viên tại đây cho biết, nho rụng có giá 1 triệu là nho mẫu đơn xuất xứ Nhật Bản. Nếu là loại nho nguyên chùm có giá khoảng 1,5-2 triệu/đồng/kg tuỳ loại và tuỳ thời điểm.
Không chỉ với nho mẫu đơn, các loại trái cây nhập khẩu cao cấp khác như hồng Nhật, dưa, táo,... bị sứt vỏ chị loại ra cũng được khách tranh nhau mua, đắt hàng hơn cả hàng chuẩn.
Lan hồ điệp nhuộm màu, hoa hồng gấp bằng đồng 2 USD đắt khách
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay có vẻ trầm lắng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, những sản phẩm độc đáo vẫn hút khách.
|
Lan hồ điệp nhuộm màu "độc". |
Đáng chú ý, năm nay, lan hồ điệp nhuộm màu do Việt Nam sản xuất lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường với giá 1,2 triệu đồng/cành. Một chậu lan hồ điệp nhuộm màu giá từ 4-7 triệu đồng, những chậu lớn tới hàng chục triệu đồng.
Trong khi đó, sản phẩm hoa mạ vàng xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay nhưng vẫn là mặt hàng hút khách dịp 8/3 này. Tại các cửa hàng vàng bạc, quà tặng, nhiều sản phẩm mạ vàng độc đáo, mới lạ cũng được tung ra. Các mặt hàng như hoa hồng, hoa lan, hoa cài áo, phù điêu hoa hồng 3D,... được nhiều quý ông tìm mua…
Một sản phẩm độc đáo nữa cho dịp 8/3 năm nay là hoa hồng gấp bằng đồng 2 USD cũng trở nên đắt khách. Một bông hồng được xếp từ 4 tờ tiền có mệnh giá 2 USD, có giá trung bình từ 300.000-350.000 đồng/bông. Nhưng khách ít khi đặt bông lẻ mà lựa chọn từng bó từ 3 đến 5 bông có giá khoảng 4 triệu đồng, hoặc một chậu lớn 30 đến 39 bông có giá 13 triệu đồng.
Hoa tươi ế ẩm, hoa khô handmade đắt hàng
Hoa tươi là mặt hàng cực kỳ hút khách vào các dịp lễ. Dịp 8/3 hàng năm, giá hoa thường tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
Nhưng năm nay, sát ngày 8/3, giá hoa giảm mạnh, lượng hoa tiêu thụ chậm, rơi vào cảnh ế ẩm. Giá hoa tươi tại làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) giảm chỉ còn một nửa so với mọi năm.
|
Những bó hoa tí hon đang gây sốt. |
Không chịu cảnh ế ẩm như mặt hàng hoa tươi, dịp 8/3 này, những bó hoa tí hon lại bất ngờ gây sốt, với giá bán chỉ dao động từ 20.000-50.000 đồng/bó.
Hoa khô mini được nhiều người ưa chuộng bởi nhỏ gọn, để được lâu lại có thể gói trong cùng hộp quà thay những chiếc thiệp để tạo điểm nhấn.
Nước rửa tay khô giảm giá mạnh, hàng về tràn khắp siêu thị
Cách đây gần một tháng, nước rửa tay khô bắt đầu lên cơn sốt chưa từng có, liên tục cháy hàng, giá tăng chóng mặt. Có những đầu mối, cửa hàng tranh thủ tình trạng khan hiếm đẩy giá cao gấp 2-3 lần ngày thường.
|
Nước rửa tay khô được bày bán tràn ngập tại các siêu thị ở Hà Nội. |
Song, gần đây, mặt hàng này bắt đầu hạ nhiệt, hàng được bày bán tràn ngập thị trường, đầy ắp quầy kệ tại các siêu thị lớn nhỏ. Đáng chú ý, nhiều siêu thị lớn còn đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh.
Thịt lợn tăng giá khó hiểu, hàng nhập ồ ạt đổ về
Năm 2019, nước ta nhập 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018. Hai tháng đầu năm nay, nhập tới 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù lượng thịt nhập tăng mạnh, nguồn cung thịt trong nước dồi dào, song những ngày gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng vọt tăng, đạt mức kỷ lục. Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi lên 85.000-90.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng lên 74.000-78.000 đồng/kg, có nơi lên 80.000-85.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Trung, giá lợn hơi tăng lên 82.000-84.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia đặt câu hỏi, liệu có hay không chuyện găm hàng, tạo khan hiếm ảo để đẩy giá lên cao?
Tôm sú khổng lồ, giá bạc triệu 'cháy' hàng
Thông thường, mỗi kg tôm sú tươi loại 20 con giá khoảng 350.000 đồng. Gần đây, thị trường xuất hiện tôm sú có trọng lượng chừng 200-300 gram/con, ngang ngửa với tôm hùm xanh, khiến nhiều người tò mò.
|
Tôm sú "khủng". |
Theo thông tin rao bán, loại tôm khổng lồ này có tuổi đời trên 1 năm tuổi. Vì hiếm có, nên các cửa hàng chỉ có chừng 1-3kg tôm và bán với giá khá đắt, từ 950.000 đồng đến cả triệu đồng/kg. Hầu hết các đơn hàng đều phải chờ từ 5-7 ngày mới có thể nhận được loại tôm sú siêu "khủng" này.
Khách sạn đóng cửa, giảm giá
Trên các tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), không ít khách sạn đang đề biển giảm giá mạnh.
Trong đó, mức giảm giá thuê phòng cao nhất là từ 50-60%, đưa giá phòng thuê phòng từ 1,5 triệu đồng xuống còn 500.000-600.000 đồng/đêm. Một số khách sạn 3 sao ở Hà Nội quảng cáo phòng giá từ 10-15 USD (khoảng 232.000-348.000 đồng) để hút khách.
Hàng loạt khách sạn từ 3 sao trở lên hay những hotel nhỏ hơn đang lỗ từ vài trăm triệu để vài tỷ đồng mỗi tháng vì dịch Covid-19. Nhiều chủ khách sạn đứng trước bờ vực phá sản.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)