Tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 13/6, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết năm 2014, khi trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu.
"Trong thực hiện Luật nhà ở, chúng ta thực hiện chính sách cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nhưng với số lượng rất ít, một trong những nguyên nhân là câu chuyện về sở hữu. Cụ thể, người dân cho rằng sở hữu nhà ở vĩnh viễn nên rất khó khăn trong công tác phá bỏ", ông nêu thực trạng.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau 7 năm, mới đây khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ, Bộ có nêu ra 2 phương án. Phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Cụ thể, thời hạn sử dụng công trình có thể là 50 năm hoặc hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt.
Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội 2 phương án này.
"Với phương án 1 theo thời hạn sử dụng công trình, Bộ Xây dựng chưa bao giờ nói 50 hay 70 năm mà tùy thuộc vào cấp độ nhà chung cư. Trên cơ sở đó, chúng tôi nghiên cứu thống nhất với luật dân sự, thậm chí cả về mặt hiến pháp", ông Khởi nhấn mạnh.
|
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo, quận 5 (TP.HCM) đã hết niên hạn sử dụng khó khăn trong việc di dời, phá dỡ để xây dựng lại. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
"Đối với quy định hiến pháp, chỉ hạn chế quyền của chủ sở hữu khi ảnh hưởng đến tính mạng an toàn và nhà chung cư liên quan đến tính mạng tài sản của người dân. Bên cạnh đó, trong luật dân sự quy định quyền sở hữu chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy theo quy định của luật", ông phân tích.
Hơn nữa, ông Khởi cho biết trên thế giới, các nước đều có quy định thời hạn sở hữu, chỉ là vấn đề thời hạn khác nhau. Ở thực tiễn Việt Nam, đến thời điểm hiện nay Bộ cho rằng cần thiết phải đưa ra quy định này.
"Đây cũng mới chỉ là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng, sau khi được Quốc hội đồng ý đưa vào Luật nhà ở 2023 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân", ông nói.
Về giải pháp xử lý, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã đề xuất giải pháp của 2 phương án. Nếu trong trường hợp quyền sử dụng đất vẫn có hiệu lực, người dân sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất và góp tiền xây dựng mới.
"Điều đó có nghĩa, người dân sẽ được tái định cư tại chỗ. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh xáo trộn tối đa cho người dân", ông cho hay.
Nhấn mạnh lại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho biết đây là vấn đề lớn liên quan đến vấn đề sở hữu của người dân. Đây mới đề xuất, chính sách sau đó mới nghiên cứu các quy định cụ thể...