Mới đây, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã có văn bản giải trình về việc không công bố thông tin giao dịch bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian tháng 8/2020 đến tháng 3/2021, hiện chỉ còn 15.815 cổ phiếu quỹ.
Gỗ Trường Thành cho biết đây là lượng cổ phiếu nhận theo thỏa thuận chuyển giao tài sản từ gia đình ông Võ Trường Thành - người sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành để khắc phục một phần thiệt hại trong năm 2020.
Gỗ Trường Thành do ông Võ Trường Thành sáng lập và dần nắm vị thế đừng đầu tại khu vực Bình Định về phía Nam. Tuy nhiên hoạt động đầu tư, mở rộng tràn lan giai đoạn khủng hoảng 2008 khiến kinh doanh lao dốc.
Đến năm 2016, công ty vướng vào vụ bê bối kiểm toán kinh điển khi hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng và buộc phải trích lập các khoản phải thu khó đòi, lộ diện các khoản thua lỗ khủng.
Sau khi ông Võ Trường Thành rời đi, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín dẫn đầu tiếp quản công ty. Ông Mai Hữu Tín đồng thời ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành từ tháng 6/2019.
|
Doanh nhân Mai Hữu Tín - Chủ tịch Gỗ Trường Thành. Ảnh: The Next Power |
Dưới sự lãnh đạo của ông Mai Hữu Tín, Gỗ Trường Thành đang dần thoát khỏi cảnh nợ nần, dự kiến công ty sẽ xử lý hoàn toàn hàng tồn kho trong quý 2/2022.
Chủ tịch Gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín sinh năm 1969, là một doanh nhân kín tiếng và được biết đến là một “Shark” thực sự. Thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư U&I do ông Tín làm Chủ tịch HĐQT, vị doanh nhân này thực hiện nhiều phi vụ đầu tư, giải cứu các doanh nghiệp thua lỗ, trong đó Gỗ Trường Thành là một phi vụ điển hình.
Thậm chí, giới đầu tư còn gán cho doanh nhân Mai Hữu Tín biệt danh “ông trùm” giải cứu.
Thương vụ M&A nổi tiếng đầu tiên của ông Mai Hữu Tín chính là mua lại Công ty Sản xuất bồn nước Toàn Mỹ vào năm 2007. Nhờ khả năng quản lý của ông Tín và các cộng sự, Tập đoàn U&I đã đưa Toàn Mỹ đi lên, trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tại khu vực miền Nam.
Năm 2017, tức 10 năm sau, ông Tín đã bán lại Toàn Mỹ cho Tập đoàn Sơn Hà. Giá trị hợp đồng M&A không được tiết lộ, nhưng chắc chắn U&I đã thu được nhiều lợi nhuận từ thương vụ đầu tư này.
Một thương vụ M&A khác khiến tên tuổi của doanh nhân Mai Hữu Tín được nâng tầm chính là thương vụ “giải cứu” Giấy Sài Gòn vào năm 2013. Năm 2015, Giấy Sài Gòn cơ bản đi vào hoạt động ổn định, doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2018, Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) đã bỏ ra 91,2 triệu USD để mua 90% cổ phần của Giấy Sài Gòn.
Các khoản đầu tư của U&I giúp doanh nhân Mai Hữu Tín trở thành nhân vật chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp. Hiện, ông Tín đang là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB), Thành viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm toán nội bôi Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR), Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), Thành viên HĐQT Tổng Công ty sản xuất – XNK Bình Dương (PRT), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mai và Cộng sự.
Bên cạnh đó, doanh nhân Mai Hữu Tín còn được biết đến là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới. Ông Tín đã giành được chức vô địch Vivonam toàn quốc từ khi còn là học sinh lớp 12. Ông Tín cũng từng được biết đến với vai trò Đại biểu Quốc hội khoá 12, lãnh đạo Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương hội LHTN Việt Nam khoá VII (2014-2019), Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương khoá I (2014-2019), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV.
Về hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành, cuối năm 2021, doanh nghiệp này công bố đã hết nợ, tín dụng trở lại bình thường. Vấn đề hàng tồn kho dự kiến hoàn thành xử lý trong quý II/2022. Hoạt động kinh doanh cũng cải thiện ấn tượng với 4 quý có lãi liên tiếp.
Trong quý I/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu tăng 71,7% so với cùng kỳ lên 536,29 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,54 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 39,28 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Gỗ Trường Thành hoàn thành 25,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Liên quan đến việc Gỗ Trường Thành bán "chui" cổ phiếu, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc TTF lý giải bản chất việc chuyển giao cổ phiếu từ cựu Chủ tịch HĐQT là sự bồi thường thiệt hại của cổ đông. Ban lãnh đạo cho rằng nghiệp vụ này không phải mua bán cổ phiếu quỹ giữa 2 bên theo giao dịch mua bán thông thường.
Việc thu hồi tài sản của lãnh đạo cũ đã được doanh nghiệp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản tháng 3/2017. Đây là hành động nhằm khắc phục hậu quả do quản lý yếu kém bằng cách chuyển giao quyền sở hữu của bản thân và người có liên quan cho công ty.