Từng tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Cử nhân Anh Văn và có nhiều năm làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương từ 10-20 triệu đồng/tháng nhưng chị Ngô Thị Hiền (SN 1987), trú tại xã An Thắng, huyện An Lão (Hải Phòng) lại quyết định nghỉ việc về quê.
“Được đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt làm công việc kiểm định, tôi nhận ra nước ta có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho nông nghiệp. Đất đai màu mỡ, rộng lớn nhưng nhiều nơi vẫn còn bỏ hoang. Chưa kể, bà con thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy, tôi quyết định về quê để nghiên cứu cách tăng giá trị cho nông sản địa phương”, chị Hiền kể.
|
Chị Hiền bỏ công việc văn phòng lương cao để về khởi nghiệp nông nghiệp. |
Tháng 4/2019, chị về quê với số tiền hơn 10 năm tích lũy và bắt tay vào việc trồng các loại rau sạch. Từ công việc văn phòng chuyển sang làm nông nghiệp, chị cũng đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng theo chị, làm bất kỳ ngành nghề gì cũng sẽ phải có lúc đối mặt với khó khăn, mất mát. Quan trọng là cách ta nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực hay tích cực mà thôi.
“Có đợt mưa lớn, gần 2 tuần ruộng rau chìm trong biển nước. Các loại rau như rau má, tía tô, cải xoăn, diếp cá, cần tây… hầu như là mất hết, chỉ còn trơ đất và cỏ. Hoặc có những đợt nắng nóng quá, mấy luống rau như cà, rau muống, đỗ đũa, bí ngô, rau đay, mùng tơi…chỉ còn trơ thân khô. Thế nhưng, tôi vẫn không nản lòng mà tiếp tục cải tạo đất và trồng tiếp”, chị Hiền nói.
Chị cho rằng làm nông nghiệp sạch thôi chưa đủ, sản phẩm làm ra nhất thiết phải được chế biến để tăng giá trị, bảo quản dễ dàng và sử dụng được lâu dài.
Với vốn tiếng Anh thông thạo, quen biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài nên chị tìm hiểu các loại máy móc và quy trình sản xuất, bắt tay đầu tư máy sấy, nghiền nông sản để sản xuất bột nghiền rau củ.
Làm ra sản phẩm, chị tiếp tục mang sản phẩm của mình đi quảng bá trong các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp nông nghiệp, hội chợ, các cửa hàng thực phẩm sạch.
|
Máy móc chị đầu tư để nghiền bột rau củ.
|
Sản xuất bột rau nguyên chất, không phẩm màu, không chất bảo quản, không có phụ gia, cùng với sự tiện dụng, có thể sử dụng cho nhiều mục đích như làm sinh tố, pha nước ép, làm sữa chua, nấu cháo, làm trà, bánh kẹo, nước detox… Vì vậy, sản phẩm của chị làm ra ngày càng được nhiều người ưa chuộng.
Không những chế biến các loại rau củ do mình làm ra, chị Hiền còn hợp tác với một số nông trại sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn để sản xuất bột rau củ.
Chị Trần Thị Quỳnh Vân, trú tại xã Thụy Phương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhà hàng và trường học dừng hoạt động đã khiến lượng rau, củ, quả của nông trại bên chị dư thừa. Nông trại cũng không tiếp đón được các đoàn khách đến tham quan, thu mua nông sản.
Tuy nhiên, nhờ kết hợp với chị Hiền trong việc đưa sản phẩm vào chế biến mà lượng nông sản dư thừa của nông trại đã được tiêu thụ hết với giá trị cao.
|
Không chỉ nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản, chị Hiền còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
|
Khởi nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, thế nhưng, sau 2 năm, chị Hiền đã sở hữu vườn rau rộng hơn 2.000m2 cùng xưởng sản xuất, chế biến bột rau củ rộng 300m2. Tại đây, các công đoạn rửa, vắt, sấy, nghiền, đóng gói được làm khép kín với 7 loại bột rau sấy lạnh gồm: Rau má, diếp cá, chùm ngây, tía tô, bó xôi, cải xoăn và cần tây.
“Các sản phẩm đều được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, được tách nước bằng phương pháp sấy lạnh, độ ẩm khống chế dưới 5%. Sau đó, lá rau khô mang đi nghiền bột bằng cối đá Granite, có thể giữ được gần như trọn vẹn các vi chất dinh dưỡng”, chị Hiền cho hay.
Khởi nghiệp với việc sản xuất bột rau, củ và các sản phẩm giá trị gia tăng từ rau đã mang về cho chị Hiền doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.