Khi mới bắt tay vào khởi nghiệp nuôi ốc nhồi, Hoàng Mạnh Cường (Khoái Châu, Hưng Yên) thua lỗ khá nhiều bởi chưa nắm bắt được kỹ thuật, tỷ lệ ốc bố mẹ hao hụt cao.
“Lần thất bại này mất khá nhiều tiền nhưng tôi không nản chí chút nào. Tôi vẫn cố gắng và nghĩ rằng do mình chưa có nhiều kinh nghiệm nên vậy. Bởi trước khi bắt đầu làm, tôi đã tìm hiểu rất kỹ cách chăm sóc, cũng như về lợi nhuận của loại ốc này”, Cường chia sẻ.
Không chỉ khó khăn trong cách nuôi, cậu còn không được sự ủng hộ của bố mẹ với quyết định nghỉ làm thuê về nuôi ốc. Thời gian này, cậu cũng không có nhiều tiền, chỉ có một chút tiền tiết kiệm trong quá trình làm thuê nên vẫn phải vay thêm vàng để lấy tiền nuôi ốc.
|
Cường đi theo con đường làm thuê kiếm tiền khi kết thúc chương trình học cấp 3. Và 2 năm sau, cật bắt đầu vay thêm vốn để khởi nghiệp nuôi ốc nhồi. |
Trước đó, khoảng năm 2016, cậu học xong trung học phổ thông nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cường đã quyết định đi làm công nhân tại các lò gạch ở địa phương. Tuy nhiên, câu lại không muốn đi theo hướng này mà luôn trăn trở tìm hướng phát triển khác, có thể tự làm chủ.
“Đến năm 2018, tôi có một chút tiền tiết kiệm sau vài năm làm thuê. Tôi quyết định bỏ việc và lặn lội đi các tỉnh thành khác để tìm hiểu các mô hình nuôi ốc. Tôi nhận thấy nuôi ốc nhồi lợi nhuận cao mà dễ nuôi. Trở về nhà, tôi vay thêm vàng của người thân để mua giống…”, Cường chia sẻ.
Khi mới khởi nghiệp, chàng trai trẻ cải tạo hơn 400m2 diện tích ao xung quanh nhà để làm nơi nuôi ốc sinh sản. Lứa đầu có khó khăn nhưng các lứa nuôi sau đều thuận lợi và cậu mau chóng trả được hết số tiền vay nợ.
Theo Cường, ốc nhồi là vật nuôi đòi hỏi nguồn nước nuôi phải sạch sẽ, không lẫn hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật, nước thải nhà máy, chăn nuôi. Để ốc sinh trưởng phát triển thuận lợi, người nuôi cũng cần tạo cho ốc môi trường sinh thái như ngoài tự nhiên.
Trước khi thả ốc giống, ao và nguồn nước cần được xử lý trước. Bước này rất quan trọng trong việc thành – bại khi nuôi ốc. Chàng trai trẻ cho rằng xung quanh bờ ao cần phải phá hết bụi rậm để tránh chuột làm tổ xung quanh bờ. Điều đó cũng thuận lợi cho việc thu hoạch về sau.
Để ốc phát triển tốt, người nuôi trồng thêm các loài thực vật như bông súng, rong tảo và rau rút… Những cây này sẽ làm tăng độ mát cho ao và tạo nhiều chỗ bám cho ốc.
Nói về nguồn thức ăn, câu cho biết ốc ăn những thứ rất dễ kiếm và rẻ tiền, có thể tận dụng rau, củ, quả trong vườn nhà như bèo tấm, bầu, bí và mướp…
Sau 3 năm khởi nghiệp, Cường mở rộng khu nuôi ốc rộng gần 10.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, chàng thanh niên trẻ này đã cung ứng hơn 3 triệu ốc giống có giá thành từ 300 - 500 đồng/con. Dự tính từ nay đến hết tháng 8, cậu xuất thêm 2 triệu ốc giống và thu 3 tấn ốc thương phẩm với giá bán 80.000 đồng/kg.
Tính riêng năm ngoái, trang trại nuôi ốc của anh đã đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lãi khoảng vài trăm triệu đồng/năm.
Theo cậu, dịch COVID-19 không làm ảnh hưởng quá nhiều đến việc nuôi ốc cũng như đầu ra của sản phẩm. Chỉ một phần ốc thịt xuất bán cho các nhà hàng thì bị ảnh hưởng chút, còn lại người dân vẫn mua ốc giống và ốc thịt thường xuyên.
Vì vậy, câu vẫn mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi và đưa ốc nhồi đi xuất khẩu nước ngoài. Đồng thời, cậu muốn bao tiêu đầu ra cho những hộ gia đình nuôi ốc và đưa thương hiệu ốc nhồi Việt ra thị trường quốc tế.