Bộ Tài chính vừa có thông tin làm rõ về nguồn dự phòng ngân sách trung ương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, cơ quan quản lý tài khóa cho biết ngày 16/9 tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách hiện nay rất khó khăn. Ngày 17/6, Bộ Tài chính làm rõ thông tin và nhấn mạnh không phải là ngân sách trung ương không còn tiền, mà là khoản ngân sách dự phòng trung ương đã sử dụng hết 17.500 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hiện tại, nhu cầu chi cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương vẫn là rất lớn. Trong khi đó, ngân sách vẫn còn khoản tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 14.620 tỷ đồng.
Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên này vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho phòng chống dịch.
|
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Thuận Thắng. |
Vì vậy, Bộ Tài chính lý giải thực tế là nguồn dự phòng ngân sách trung ương ban đầu đã được sử dụng hết và đang chờ bổ sung từ nguồn tiết kiệm chi, chứ không phải “ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào" theo một số thông tin hiện nay.
Tại cuộc họp ngày 16/9 vừa qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết trong bối cảnh 23 tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khiến số thu thuế giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết dù lũy kế thu ngân sách 8 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, gần bằng 75% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng số thu nội địa - nguồn thu lớn nhất đóng góp vào ngân sách hàng tháng - đã giảm liên tục từ tháng 4 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước đó, ngân sách thu được 115.600 tỷ đồng từ thu nội địa trong tháng 4, nhưng đã giảm xuống còn 85.000 tỷ trong tháng 5 và 80.500 tỷ đồng đến tháng 6.
Đến tháng 7, số thu nội địa tăng lên 114.400 tỷ, nhưng nếu không kể 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, số thu nội địa thực tế trong tháng 7 chỉ là 77.400 tỷ. Trong tháng gần nhất, nguồn thu này chỉ còn mang về cho ngân sách 63.200 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách lũy kế 8 tháng là 918.100 tỷ đồng, tương đương 54,4% dự toán.
Dù tiến độ chi thấp hơn thu dẫn tới ngân sách thặng dư 86.100 tỷ đồng sau 8 tháng, Bộ Tài chính cho biết cân đối ngân sách trung ương lại ghi nhận bội chi trong khi ngân sách địa phương thặng dư lớn.
Cụ thể, riêng tháng 8, tổng thu ngân sách đạt khoảng 78.600 tỷ đồng, giảm 38% so với tháng 7. Trong đó, thu nội địa ước đạt 63.200 tỷ, thấp hơn 18% so với tháng liền trước, tương đương mức giảm ròng 14.200 tỷ (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).