Bộ Công Thương: Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn giá thế giới

Google News

Theo Bộ Công Thương, so với đầu năm giá xăng dầu thế giới biến động tăng từ 44-60% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phục vụ phiên chất vấn ngày mai (16/3), Bộ Công Thương cho biết từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 đến ngày 11/3 đã có 6 kỳ tăng giá. Theo đó, so với đầu năm đến nay, mặt hàng này tăng từ 4.625-7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%.

Theo Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít, tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.

Trong đó, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01-60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91-39,56%.

Bo Cong Thuong: Gia xang dau trong nuoc tang thap hon gia the gioi
 

“Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.

Liên quan đến kế hoạch cung ứng xăng dầu, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

“Vì vậy, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy này”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung nên tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.

Trước đó, Bộ Công Thương đã giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong khoảng thời gian này để phục vụ thị trường trong nước.

Việt Nam hiện nay có 2 nhà máy lọc dầu: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%).

 
Theo Thanh Thương/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)