Anh Trần Mạnh Hiệp, đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế, vừa đăng một bài viết lên diễn đàn này cho biết một người bạn của anh vừa bị mua nhầm một chiếc Samsung Galaxy S7 hàng nhái. Người bán hàng nhái đã tìm cách lừa người mua bằng cách trưng ra cả hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng) của Thế Giới Di Động. Đây là thủ đoạn lừa đảo ở mức tinh vi hơn, người không có kinh nghiệm rất dễ mua nhầm hàng nhái với giá hàng thật.
|
Máy Samsung S7 nhái kèm hóa đơn của Thế Giới Di Động. |
Chiếc điện thoại Samsung Galaxy S7 nhái được cho là có màn hình nhạt hơn, trong khi màn hình S7 rực rỡ và độ phân giải cao. Nắp sau của máy nhái cũng có vẻ ọp ẹp, không vừa khít như máy chính hãng mới. Phần hướng dẫn sử dụng cũng không có tiếng Việt trong khi nếu là máy chính hãng bán tại Thế Giới Di Động thì hẳn nhiên phải có tiếng Việt. Bên cạnh đó, hộp máy khá cũ và khó biết được đó là hộp giả hay hộp cũ bị thấm nước.
|
Tem ngoài hộp máy... |
|
... và hóa đơn. |
Chiếc hóa đơn VAT của Thế Giới Di Động bán kèm máy nhìn không thể phân biệt thật-giả. Tuy nhiên, kiểm tra thì thấy IMEI ghi trên hóa đơn và IMEI máy khác nhau, như vậy chắc chắn hóa đơn này là của máy khác. Căn cứ chi tiết này và độ “thật” của hóa đơn, có người phán đoán đây là hóa đơn thật của một máy Samsung S7 chính hãng, còn máy nhái dĩ nhiên không liên quan đến hóa đơn này.
|
Khó phân biệt máy thật-giả nếu chưa từng dùng qua. |
Theo anh Hiệp, đối với người từng dùng qua S7 đủ lâu thì có thể nhận ra máy nhái, tuy nhiên với người không có kinh nghiệm, hoặc dù có kinh nghiệm nhưng khi mua bán vội vàng vào buổi tối hay những nơi ánh sáng mập mờ ở quán cà phê chẳng hạn, thì người mua dễ bị lừa hơn.
Khi mua máy cũ, người dùng cần dẫn theo người có kinh nghiệm, hoặc nắm bắt các cách kiểm tra đơn giản, như kiểm tra số IMEI trùng khớp giữa các phụ kiện hay không, gọi lên tổng đài kiểm tra số IMEI của điện thoại đó, mang đến trung tâm chăm sóc khách hàng của hãng để kiểm tra… Tốt nhất khi mua máy cũ cần ra các cửa hàng uy tín, kiểm tra thêm các bước kể trên để chắc chắn.