Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, giá trứng gia cầm luôn ở mức thấp, chỉ từ 1.800-2.000 đồng/quả. Khắp các tỉnh thành, phong trào giải cứu trứng gà, trứng vịt được nhiều cá nhân, tổ chức tiến hành nhằm giúp đỡ bà con nông dân.
Đặc biệt, khi thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn không thể tiêu thụ trứng đã phải bán với giá rẻ như cho hoặc mang đi tiêu hủy làm phân bón.
Tuy nhiên, có một loại trứng được “biến tấu” từ những quả trứng gà, trứng vịt thông thường vẫn được nhiều người lùng mua với giá từ 8-10.000 đồng/quả. Đó là trứng bắc thảo.
Trứng bắc thảo được bán với giá từ 8.000-10.000 đồng/quả, đắt gấp 4 lần trứng thường.
Theo chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại Tả Thanh Oai (Hà Nội), món trứng này được làm từ trứng vịt hoặc trứng gà, ủ trong hỗn hợp bao gồm đất sét, tro, muối, vôi và trấu. Nhiều nơi còn ngâm trong nước phèn có pha các loại thảo dược như cam thảo, trà đen, muối… trong vòng khoảng 2-5 tháng.
“Sau khi ngâm, lòng trắng trứng chuyển sang dạng thạch, có màu nâu thẫm hoặc nâu đen, màu đỏ chuyển sang màu xanh đen. Nhiều quả còn có hoa văn giống bông tuyết, rất đẹp”, chị Huyền nói.
Trứng bắc thảo được làm từ trứng gà, trứng vịt thông thường nhưng trải qua quá trình ngâm, ủ công phu trong thời gian dài.
Sau thời gian ngâm, ủ, trứng bắc thảo chuyển sang dạng thạch rất đặc biệt.
Từng làm việc trong một doanh nghiệp phân phối các loại trứng đã qua sơ chế, chế biến như trứng muối, trứng bắc thảo… nhận thấy nhu cầu thị trường đối với loại trứng này là rất lớn nên chị Huyền nghỉ việc, tự nhập trứng bắc thảo về bán tại Hà Nội.
Mỗi ngày, chị Huyền bán được hàng nghìn quả trứng bắc thảo tại Hà Nội.
Sau lớp vỏ trứng là lớp lòng trắng màu đen, xanh đen, nâu đen dạng thạch đặc biệt.
Ban đầu, từ việc bán lẻ ngày 200-300 quả, đến nay, mỗi ngày chị Huyền bán được từ 1.500-2.000 quả trứng bắc thảo. Cung cấp chủ yếu cho các nhà hàng, quán nhậu cao cấp và cho người tiêu dùng tại thị trường Hà Nội.
“Trứng này có mùi vị khá đặc biệt. Những người mới lần đầu ăn thì có vẻ khá khó ăn bởi có mùi hơi nồng, hắc, khai nhẹ đặc trưng. Tuy nhiên, khi ăn quen thì lại trở thành món ăn gây nghiện và rất tốt cho sức khỏe”, chị Huyền chia sẻ.
Chuyên sản xuất trứng bắc thảo tại Thốt Nốt (Cần Thơ) từ năm 2015 đến nay, anh Nguyễn Văn Chiến cho biết, mỗi tháng, bên anh bán ra thị trường khoảng 70.000 – 100.000 quả trứng bắc thảo. Riêng tháng sát Tết Nguyên đán, anh bán ra được hơn 200.000 quả.
Cơ sở sản xuất trứng bắc thảo của anh Chiến mỗi tháng bán được hàng trăm nghìn quả trứng bắc thảo.
Nhiều quả trứng bắc thảo có hoa văn như bông tuyết, rất đặc biệt.
Anh Chiến cho biết, để thành phẩm, mỗi quả trứng vịt được ngâm trong hỗn hợp cam thảo, trà xanh say nhuyễn, kết hợp với muối trong vòng khoảng 60 ngày. Sau khi ngâm, ủ, lòng trắng và lòng đỏ của trứng chuyển sang dạng thạch, chứa rất nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trứng bắc thảo có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm axit trong dạ dày và làm hạ huyết áp. Ngoài ra còn có tác dụng giải nhiệt, giải rượu, thuyên giảm các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, theo Đông y, trứng bắc thảo có vị hơi đắng, sáp, ngọt, mặn và tính hàn có tác dụng đối với sức khỏe nhưng cũng không nên ăn nhiều, tốt nhất nên ăn khoảng 2 trứng/tuần.