Sôi động trước Tết cả tháng
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021, các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại bắt đầu náo nhiệt trên chợ mạng, với đủ các mệnh giá: 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng. Người rao bán còn cam kết 100% là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri.
Thậm chí, khách chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.
|
Dịch vụ đổi tiền lẻ sôi động trên chợ mạng. (Ảnh chụp màn hình) |
Anh C.T (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, phí đổi tiền lẻ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao. Tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 12 - 15%, loại 5.000 đồng mức phí là 10%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
Anh T còn nhấn mạnh rằng phí đổi như vậy vẫn còn ở mức bình thường. Đến cận Tết Nguyên đán, phí đổi có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần với một số mệnh giá đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước đã công bố năm nay tiếp tục không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết.
Lo không đổi được tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng để lì xì dịp Tết, chị LAn Anh (Bắc Ninh) chấp nhận đổi tiền với mức phí 8% từ một người rao trên mạng. Theo chị Lan Anh, kể ra đổi 2 triệu mà mất tới 160.000 đồng thì cũng hơi đắt song chị lo đến gần Tết càng khan hiếm hơn. Chị nói: "Mình cũng thấy hơi xót ruột nhưng Tết về quê các cháu nhỏ đông, không có tiền mừng tuổi thì không được. Được cái, dịch vụ đổi tiền lẻ khá nhanh, thậm chí họ còn giao hàng tận nơi".
Đổi tiền không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.