Bánh sắn
Nhắc đến sắn, mọi người thường nghĩ ngay đến loại củ dân dã được trồng ở các vùng trung du, miền núi, đặc trưng của làng quê Việt Nam, nhất là những ngày nghèo khó phải ăn “sắn độn cơm” qua ngày. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, món bánh sắn lại trở thành món ăn vặt yêu thích, có mặt khắp phố phường Hà Nội, nhất là những đoạn đường gần các trường đại học hay các khu chung cư.
Dạo quanh các cổng trường đại học, không khó để bắt gặp những chiếc xe bán bánh sắn nước cốt dừa nướng bị bao vây bởi hàng chục sinh viên chờ mua bánh.
Công cụ thô sơ, nguyên liệu làm nên bánh sắn cũng rất đơn giản nhưng lại được nhiều người yêu thích.
Ông Nguyễn Văn Long - người bán bánh sắn tại phố Vọng (Hai bà Trưng, Hà Nội) cho hay: "Quê tôi ở Thanh Hóa, từ khi đứa con trai út học Đại học trên này, tôi cũng lên theo, vừa để gần con vừa bán hàng". Được biết, mới đầu chưa quen còn ít khách, mỗi ngày ông chỉ bán được từ 100-200 chiếc nhưng dần dần nhiều người ăn quen lại giới thiệu cho bạn bè đến mua, có ngày ông bán được cả 500-600 chiếc.
“Ngày xưa nhắc đến sắn là ngán bởi ngày nào cũng ăn quá nhiều nhưng giờ, kinh tế phát triển, đủ các món sơn hào hải vị thì tôi lại thèm bánh sắn nướng. Giờ họ làm bán cho thêm nước cốt dừa và dừa tươi bào sợi nên cảm giác cũng ngon hơn”, chị Cúc (Đống Đa) bày tỏ.
Nhờ công việc bán bánh sắn nướng đặc biệt này, những người lao động nghèo giữa Thủ đô có thêm cơ hội làm ra thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Bánh đúc
Bánh đúc nóng là món ăn dân dã từ xa xưa của người Việt. Loại bánh này được làm từ gạo tẻ ngâm với nước vôi trong, nghiền nhỏ thành bột cho vào nồi nấu và quấy thật đều tay. Lúc gần được thì cho lạc rang vào trộn đều.
Giờ đây, giữa thời đại hội nhập và phát triển, đã có biết bao loại bánh quà thơm ngon, đặc sắc khác, nhưng bánh đúc vẫn được nhiều người ưa chuộng. Từ món ăn chống đói, bánh đúc đã trở thành đặc sản được bán ở nhiều thành phố lớn. Với nhiều người, món ăn “nhà nghèo” ngày nào như mang lại một điều gì đó đậm chất quê.
Bánh đúc - món ăn nhà nghèo nay đã thành đặc sản được ưa chuộng
Theo khảo sát, hiện món bánh đúc nóng được bán rất nhiều ở Hà Nội, cả ở quán và bán online với nhiều loại khác nhau. Bánh đúc nóng có giá từ 15.000 - 25.000 đồng/bát.
Nổi tiếng ở Hà Nội phải kể đến quán bánh đúc ở Lê Ngọc Hân. Bao nhiêu năm qua, bánh đúc ở quán vẫn luôn dẻo quánh, mịn vị bột bánh, chìm trong lớp xương chan trong vắt, đậm đà, với nhân thịt băm xào cùng mộc nhĩ, chút rau mùi thái nhỏ, hành phi thơm phức, dăm ba miếng đậu rán vàng ươm. Đây quả là một món ăn bình dân nhưng gợi bao thương nhớ về những ngày thiếu thốn thời bao cấp… Bởi thế, không gian chật chội nhưng khách luôn tấp nập.
Dọc mùng sấy khô
Thời xưa, dọc mùng mọc đầy ở các làng quê Việt Nam và là món ăn chống đói những ngày nghèo khổ. Mùng mọc ở ao hồ, đầm lầy, những vùng đất trống, ở nhiều nơi người dân còn nhổ bỏ đi vì không sử dụng đến.
Ngày nay, dọc mùng tươi bán nhiều ở chợ với giá 20.000-30.000 đồng/kg, nhiều người đem dọc mùng đi sấy khô và bán với giá đắt đỏ hơn nhiều.
Mới bắt đầu làm được một thời gian ngắn, chị Huyền (Thanh Hóa) không ngờ dọc mùng sấy khô lại được nhiều người ưa chuộng đến vậy. Chị cho biết: “Trước đây, mẹ mình hay làm dọc mùng sấy khô và gửi ra Hà Nội cho mình nấu canh chua, nấu cá. Mình cứ để tủ lạnh và nấu ăn dần. Sau này, mình về tự làm rồi sấy khô để bảo quản được lâu, tránh trường hợp không mua được ở chợ”.
Dọc mùng đã được sấy khô
Hiện chị bán 600.000 đồng/kg. Khách đặt mua chủ yếu người quen giới thiệu, còn những khách lạ cũng ít vì chị không có nhiều sản phẩm để quảng cáo ra thị trường lớn. Một số công ty thương mại cũng liên hệ chị với mong muốn đặt số lượng lớn sản phẩm này đem sang nước ngoài bán nhưng chị chưa chấp nhận. Vì chị chưa có nhiều thời gian và người làm để đáp ứng số lượng.
Chị Ngọc Anh - một cơ sở chuyên bán dọc mùng sấy khô ở Hà Nội cho biết dọc mùng dùng trong nấu ăn là chủ yếu. Khách hàng đặt mua loại sấy khô đa phần là đem đi biếu hoặc cho vì chúng bảo quản được lâu trong tủ lạnh.
“Dọc mùng tươi mua ngoài chợ chỉ giá đến 35.000 đồng/kg, nhưng để làm thành phẩm khô trải qua rất nhiều công đoạn, giá thành cũng cao hơn nhiều lần. Hiện, dọc mùng không đúng mùa nên số lượng hạn chế, giá thành đẩy lên cao. Khách hàng muốn mua đều phải liên hệ và đặt trước”, chị nói.