Anh nông dân Bến Tre nuôi con đặc sản, bán giống tiền triệu mỗi con

Google News

Năm lần, bảy lượt thất bại, cuối cùng anh Trần Hoàng Dũng (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cũng nuôi chồn hương sinh sản (cầy vòi hương) thành công để thu lãi 300 trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Dũng, để nuôi chồn hương sinh sản thành công như hôm nay anh đã "lên bờ, xuống ruộng" nhiều lần, có lúc chết cả đàn giống chồn hương bố mẹ.

Anh nong dan Ben Tre nuoi con dac san, ban giong tien trieu moi con
Nhờ nuôi chồn hương sinh sản, anh Trần Hoàng Dũng (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đổi đời. Ảnh: Một con chồn hương mẹ đang sinh sản ở trại nuôi chồn hương cùa anh Dũng. Ảnh: T.Đ
Nuôi chồn hương sinh sản… không dễ

"Nuôi chồn hương cho thu lời rất cao, nhưng để thành công không dễ", anh Dũng khẳng định ngay khi chúng tôi trao đổi về kỹ thuật nuôi chồn hương sinh sản.

Anh Dũng thổ lộ, nói như vậy bởi anh đã kinh qua những lần thất bại khi bắt tay khởi nghiệp nuôi chồn hương sinh sản cho đến nay.

Theo đó, sau một lần tình cờ biết bà con nông dân nuôi chồn hương cho lợi nhuận cao, năm 2017, anh Dũng mua 1 cặp chồn hương giống bố mẹ về nuôi thử nghiệm với giá chồn hương giống là 8 triệu đồng/cặp. Do thiếu kinh nghiệm nuôi và chăm sóc, chỉ sau thời gian ngắn, cặp chồn hương giống bố mẹ này đã chết.

Một năm sau, anh lại thắp lên hy vọng nuôi chồn hương làm giàu bằng cách mua 5 cặp chồn hương giống bố mẹ về nuôi, với giá chồn hương giống lúc bấy giờ tổng cộng là 50 triệu đồng. Sau thời gian nuôi, đàn chồn hương giống bố mẹ này chỉ còn lại… 2 con.

Thất bại nhưng không nản, sang năm 2019, anh lại gầy dựng đàn chồn hương khi mua tiếp 4 con chồn hương giống bố mẹ, gồm 3 con cái và 1 con đực, với tổng giá chồn hương giống là 55 triệu đồng.

Rút kinh nghiệm thất bại do thiếu kiến thức, kỹ thuật những lần trước, lần này anh Dũng đã làm chủ được việc nuôi chồn hương sinh sản và bán con giống cho đến nay.

Anh nong dan Ben Tre nuoi con dac san, ban giong tien trieu moi con-Hinh-2
Anh Trần Hoàng Dũng (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong trại nuôi chồn hương sinh sản. Ảnh: T.Đ

Theo anh Dũng, do chồn hương là động vật hoang dã bản tính rất hung dữ nên mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con. Chuồng phải kiên cố, cao ráo, có không gian vận động, đảm bảo luôn sạch, khô, tránh ẩm ướt.

Do chồn hương mẫn cảm với tiếng động, nên chuồng được thiết kế, bố trí xa nơi ồn ào nhằm hạn chế ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chồn cái…

Chồn cái bắt đầu sinh sản sau 12-15 tháng nuôi. Sau khi phối giống thành công, khoảng 2 tháng sau, chồn cái sinh sản. Mỗi lứa, chồn cái sinh sản 3-5 con. Sau 50-60 ngày tuổi, chồn con được tách mẹ. Và 2 tháng sau khi tách, có thể xuất bán chồn con làm giống.

Thức ăn cho chồn hương chủ yếu là chuối chín, cháo trắng và đầu gà công nghiệp. Ngoài ra, anh Dũng còn cho chồn hương ăn thêm cá trê. Đặc tính của chồn hương là thức đêm và ngủ ngày, do vậy, anh Dũng chỉ cho chồn hương ăn 1 lần vào chiều tối. Chi phí thức ăn 2.000-3.000 đồng/con/ngày.

Theo anh Dũng, chồn hương có sức đề kháng tốt, ít khi mắc bệnh. Chồn hương chủ yếu mắc tụ huyết trùng, cầu trùng. Khi thấy chồn có triệu chứng bệnh, thì tách chuồng và dùng thuốc thú y điều trị.

"Bí quyết" nuôi chồn hương sinh sản làm giàu

Hiện, trại nuôi chồn hương sinh sản của anh Dũng có khoảng 30 con chồn hương giống, trong đó, hơn một nửa là chồn cái. Anh Dũng tính, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mỗi con chồn cái cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết, trong năm, giá chồn hương giống là 10-12 triệu đồng/cặp. Riêng chồn thương phẩm bán thịt cũng có giá rất cao. Giá thịt hơi nhiều thời điểm ở mức 1,5-2,2 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn.

"Hiện, trại không đủ số lượng chồn hương giống bán cho bà con nông dân đặt mua", anh Dũng bộc bạch

Anh nong dan Ben Tre nuoi con dac san, ban giong tien trieu moi con-Hinh-3
Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mỗi con chồn cái tại trại nuôi chồn hương sinh sản của anh Dũng cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Ảnh: T.Đ

Anh Dũng cho biết, anh đang định mở rộng chuồng trại, tăng đàn chồn hương giống bố mẹ để tăng cường cung cấp chồn hương giống, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của nông dân.

Không chỉ nuôi chồn hương sinh sản phát triển kinh tế riêng cho gia đình, anh Dũng còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp chồn hương giống cho những hộ mới bắt đầu nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế.

Theo anh Dũng, muốn nuôi chồn hương thành công, điều tiên quyết là phải có con giống tốt. Nhưng ít nông dân để ý, giống chồn hương tốt còn phải đã được thuần với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng, thời tiết, thức ăn… tại địa phương.

"Kinh nghiệm nuôi cho thấy, ngoài giống tốt, nông dân nên chọn những trại làm giống chồn hương tại địa phương, hoặc trong vùng để mua con giống về nuôi. Bởi những con giống này đã được thuần điều kiện môi trường tại địa phương nên nuôi dễ thành công hơn", anh Dũng chia sẻ.

Theo UBND xã Châu Hòa, mô hình nuôi chồn hương sinh sản của anh Dũng đang cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi chồn sinh sản này.

Chồn hương hay còn gọi là cầy vòi hương là loại động vật hoang dã, cơ thể của chúng tiết ra mùi thơm được sử dụng như một loại dược liệu quý.

Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa chuộng nên giá trị kinh tế của chồn hương mang lại khá cao.

Theo Trần Đáng/ Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)