Nghệ An: Bỏ tiền tỷ nuôi chồn hương, nói bán là hết sạch

Google News

Sau khi đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, anh Trần Hữu Thành ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An quyết định chi hơn 1 tỷ đồng để nuôi chồn hương.

Giá chồn hương thương phẩm cao, có từng nào cũng bán hết, anh Thành đã đạt được những thành công ban đầu.

Đầu tư tiền tỷ xây phòng có camera, máy đo nhiệt độ để nuôi chồn hương

Đầu năm 2023, anh Trần Hữu Thành (trú tại xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi chồn hương sinh sản. Hơn 1 tỷ đồng được anh đầu tư làm hệ thống chuồng hiện đại, khép kín tại hai cơ sở ở xã Bắc Sơn và xã Đặng Sơn.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach

Chuồng trại để nuôi chồn hương được anh Trần Hữu Thành ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xây dựng hiện đại. Ảnh: T.P

Chuồng nuôi chồn hương được anh Thành thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 3m2 đến 5m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt. Chuồng được đặt cách nền từ 1 đến 1,5m để thông thoáng và tiện vệ sinh chuồng trại.

Mỗi ô chuồng đều được bố trí rộng rãi giúp chồn có không gian vận động, dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp.

Trong chuồng nuôi chồn hương anh Thành còn lắp thêm camera, máy đo nhiệt độ phòng, nước tự động để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của chồn hương.

Sau khi đã xây dựng xong hệ thống chuồng trại, tháng 2/2023, anh Thành đã bỏ ra hơn 600 triệu đồng để mua 30 cặp chồn hương giống từ Vĩnh Long về để nuôi.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-2

Yếu tố quan trọng nhất trong nuôi chồn hương là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ. Ảnh: T.P

Trước khi bắt đầu nuôi chồn hương anh Thành cũng đã lặn lội vào tận các trang trại ở ở Vĩnh Long, Cần Thơ để học hỏi kinh nghiệm.

Theo anh Thành, điều quan trọng nhất trong nuôi chồn hương là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ. Người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài, biết được cá tính của từng con chồn hương để có cách chăm sóc phù hợp.

Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cá sông, tôm, cua đồng. Mỗi ngày cho ăn một lần vào các buổi chiều do tập tính hoang dã, ban ngày chồn hương thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn.

Nước uống cho chồn hương phải sạch và qua xử lý kỹ nhằm tránh các bệnh liên quan đến đường ruột.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-3

Chuồng để nuôi chồn hương được anh Thành ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An lắp thêm camera và máy đo nhiệt độ phòng để tiện theo dõi và chăm sóc chồn hương. Ảnh: T.P

Sau 9 tháng nuôi, hiện nay, đàn chồn hương của anh Thành phát triển tốt, có 4 cặp chồn đã sinh sản. Chồn hương thường đẻ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con. Mùa sinh sản của chồn hương kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-4

Công nhân thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi chồn hương để đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Ảnh: T.P

Khi chồn hương sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để phòng ngừa chồn mẹ sau khi sinh thiếu chất sẽ ăn con non. Chồn hương con nuôi khoảng 10 đến 12 tháng là có thể xuất bán thương phẩm hoặc giữ lại nuôi làm chồn sinh sản.

Hiện tại, trang trại của anh Thành đang tập trung nhân giống, mở rộng quy mô chuồng trại để có lượng chồn hương ổn định.

Chồn hương được chế biến thành các món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn. Hiện tại, nhu cầu thị trường tiêu thụ chồn hương rất lớn, thương lái từ các nơi đã liên hệ đặt mua chồn giống, chồn thịt trước.

Ông Nguyễn Bá Châu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết: Đối với mô hình nuôi chồn hương, đây là hướng chăn nuôi mới nhiều triển vọng. Các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, chính quyền hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các thủ tục đảm bảo tính pháp lý, thuận lợi để phát triển.

Triển vọng từ mô hình nuôi chồn hương thương phẩm

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện ở một số địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi chồn hương thương phẩm như: Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-5

Tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi chồn hương thương phẩm. Tại đây cũng đã thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương thương phẩm. Ảnh: T.P

Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6 đến 8 triệu đồng/cặp. Chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/kg. Nếu nuôi thành công và có đầu ra ổn định thì chồn hương là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhất, lãi lớn nhất so với các vật nuôi khác.

Tại huyện Thanh Chương, Nghệ An nhiều gia đình cũng đã đầu tư nuôi chồn hương thương phẩm. Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã chỉ đạo thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương thương phẩm ở xã Thanh Tiên. Tổ có 9 thành viên tham gia.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-6

Các nhà hàng lớn cũng đã đặt hàng nên đầu ra cho chồn hương thương phẩm khá ổn định. Ảnh: T.P

Việc thành lập tổ hội nuôi chồn hương là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, tăng số lượng đàn chồn chồn hương sinh sản và thương phẩm phục vụ cho thị trường.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời liên kết tạo tạo đầu ra ổn định cho chồn hương thương phẩm.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-7

Công nhân chăm sóc chồn hương tại trang trại ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An luôn kiểm tra nhiệt độ để đảm bảo điều kiện lý tưởng cho chồn hương sinh trưởng. Ảnh: T.P

Gia đình anh Nguyễn Tiến Hưng (trú tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) hiện nuôi 4 cặp chồn hương.

Anh Hưng cũng là thành viên của tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương thương phẩm xã Thanh Tiên. Theo anh Hưng, nuôi chồn ít công chăm sóc, thức ăn tận dụng được trong vườn nên rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đầu ra cũng khá ổn định.

Đặc biệt, các thành viên trong tổ đã liên kết với nhau để mua con giống cùng một nguồn, chia sẻ cách chăm sóc và cùng tạo mối tiêu thụ chồn thương phẩm.

Ngoài ra, thông qua tổ hội, các cấp ngành cũng đã có kế hoạch nhân rộng đàn, kết nối với các cơ sở nuôi chồn hương thương phẩm khác trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc chồn, liên kết với các nhà hàng, khách sạn để tạo đầu ra ổn định cho con chồn.

Thông qua mô hình tổ hội, các hội nuôi cũng hoàn thành các thủ tục để được cấp mã số trại nuôi, các giấy phép, thủ tục đăng ký nuôi.

Nghe An: Bo tien ty nuoi chon huong, noi ban la het sach-Hinh-8

Triển vọng từ mô hình nuôi chồn hương sinh sản và chồn hương thương phẩm là rất lớn khi đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.P

Đến sau mùa sinh sản, số lượng con giống được sinh ra và lượng chồn hương được nuôi ở các hộ đều phải ghi chép tăng hoặc giảm đàn, chốt sổ để báo cho kiểm lâm địa bàn. Vì vậy, khi mỗi con chồn hương bán thành phẩm cũng kèm theo thông tin xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

Một số hộ nuôi chồn hương đã thành công, mang lại hiệu quả đã khuyến khích nhiều người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại. Các hộ nuôi trước truyền đạt kinh nghiệm và phân phối con giống cho các hộ mới bắt đầu nuôi, từ đó tăng đàn cùng nhau phát triển kinh tế.

Theo Cảnh Thắng - Nguyễn Tình/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)