Dưới đây là 9 hành vi lãng phí tiền mà nhiều người không thấy:
1. Đăng ký tập gym theo phong trào
Rất nhiều người đăng ký đi tập gym hoặc mua thẻ thành viên của vài môn vận động nào đó do ảnh hưởng từ tinh thần luyện tập của đồng nghiệp hay người thân. Mặt khác, sau mỗi dịp năm mới, một số người thường đi đăng ký tập gym với nhiều chỉ tiêu cho bản thân về thay đổi hình thể.
Các phòng tập thể dục ước tính chỉ 18% khách sẽ thực sự sử dụng thẻ thành viên một cách thường xuyên và đều đặn. Vì vậy, bạn phải trả 50 USD mỗi tháng cho tập gym mà chỉ đến phòng tập vài lần một tháng thì cơ bản bạn đã phí 600 USD một năm.
Trước khi đăng ký làm thành viên một phòng tập thể dục, hãy suy nghĩ kỹ về tần suất mà bạn thực sự sử dụng nó. Liệu có lựa chọn thay thế nào khác với chi phí thấp hơn hoặc miễn phí không. Ví dụ, nếu như bạn có một chiếc xe đạp, đi làm bằng nó sẽ là một hình thức tập thể dục và còn có thêm một khoản lợi tức, tương đương với số tiền xăng dầu để đi xe máy, ô tô.
2. Lạm dụng thẻ tín dụng (ngay cả khi bạn thanh toán thẻ đúng hạn)
Một dấu hiệu lớn cho thấy bạn chi tiêu quá nhiều với thẻ tín dụng là mua sắm trực tuyến hoặc đến trung tâm mua sắm khi buồn chán. Ruth Soukup, tác giả của cuốn Living Well Spending Less đã rơi vào sai lầm đó khi chồng đi làm và cô ấy ở nhà: "Tôi đã bội chi, mặc dù tôi không chi tiêu nhiều tiền hơn mình đã có", Soukup nói. Để tránh bội chi bằng tín dụng, hãy đặt giới hạn chi tiêu hàng tuần hoặc khóa thẻ tạm thời, Soukup gợi ý.
3. Trang trí nhà giá rẻ
Trang trí nhà là một sở thích của nhiều người, chúng làm cho ngôi nhà trở nên xinh đẹp hơn và cho chúng ta cảm giác thích thú, thoải mái hơn. Nhưng nếu bạn chọn những kiểu trang trí giá rẻ hoặc theo xu hướng thì lại vô cùng tốn kém đó. Bởi những loại trang trí rẻ thường rất nhanh hỏng còn những thứ theo xu hướng lại nhanh lỗi thời, và khi đó bạn chỉ còn cách gỡ tất cả xuống và vứt đi. Vậy nên nếu bạn thích trang trí nhà cửa hãy mua loại tốt nhất và có thể sử dụng trong thời gian dài để tiết kiệm chi phí nhé!
4. Không bao giờ kiểm tra số tiền đã chi tiêu
"Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải với tiền là không biết nó đi đâu", chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ Ramit Sethi nhận xét. "Đã bao nhiêu lần bạn mở các hóa đơn, nhăn mặt, sau đó nhún vai và nói: Tôi không nghĩ mình lại tiêu nhiều thế?".
Để tránh bị bất ngờ khi không biết tiền đi đâu, Sethi khuyên mỗi người nên có ý thức hơn về chi tiêu: Hãy dành 50% thu nhập cho nhà cửa và tiêu dùng hàng ngày, 5% cho các khoản đầu tư, phần còn lại cho tiết kiệm và giải trí, hưởng thụ.
5. Tham gia nhiều loại bảo hiểm
Nhiều người có tâm lý kiểm soát rủi ro thường mua rất nhiều loại bảo hiểm. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.
Thay vì tiêu tốn tiền bạc cho nhiều loại bảo hiểm khác nhau, bạn chỉ nên mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ. Đây là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.
6. Không quản lý những gì bạn chi tiêu cho các dịch vụ thuê bao
Bạn có thể chi tiêu cho các đăng ký dịch vụ trên thiết bị kỹ thuật số nhiều hơn bạn nghĩ. Nếu bạn muốn cắt giảm các chi tiêu với các dịch vụ kỹ thuật số, hãy hủy các dịch vụ bạn không sử dụng trong tháng vừa qua hoặc chia sẻ các dịch vụ với người khác.
7. Mua thức ăn kiểu "mắt to hơn bụng"
Việc lãng phí thực phẩm đã trở thành hiện tượng phổ biến mà nhiều người không nhận ra mức độ mà họ đang làm. Hội đồng Hóa học Mỹ cho hay, các hộ gia đình nước này trung bình mỗi năm lãng phí 640 USD cho thực phẩm.
Nếu không muốn bỏ thức ăn và tiền xuống cống rãnh, bạn hãy lập một danh sách các thứ cần mua hàng tuần trước khi đi siêu thị. Nên thường xuyên kiểm tra tủ lạnh, tủ đông và tủ đựng thức ăn để biết bạn còn những gì và bao nhiêu.
Ngoài ra, hãy cẩn thận khi mua hàng số lượng lớn. Thậm chí là các mặt hàng dùng nhiều cũng không thể để lâu được. Hãy nên giới hạn số lượng dù đối với những mặt hàng mà bạn biết rằng bạn vẫn luôn sử dụng.
8. Tiền thuê nhà tốn hơn một phần tư thu nhập hàng tháng
Nhà ở chiếm trung bình 37% tiền lương mang về nhà của người Mỹ. Cắt giảm chi phí nhà ở có thể giúp bạn tiết kiệm hơn nhiều so với ngừng mua cà phê và bơ, nhà hoạch định tài chính Lauren Lyons Cole nói. Cole đề nghị tìm nhà có chi phí chiếm 25% hoặc ít hơn so với thu nhập sau thuế của bạn, và bỏ số tiền dư ra vào tài khoản hưu trí. "Động thái tài chính tốt nhất bạn có thể thực hiện là chuyển đến một ngôi nhà ít tốn kém hơn", Cole nói.
9. Mua thực phẩm sơ chế
Mua rau và trái cây cắt sẵn có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian vào bếp, nhưng bạn lại phải trả tiền cho sự tiện lợi và bao bì. Một trái xoài keo gọt sẵn trong siêu thị có giá 19.000 đồng, trong khi bạn mua một quả còn nguyên chưa đến 10.000 đồng.