Ung thư vú dễ di căn phổi

Google News

(Kiến Thức) - Di căn phổi là vị trí thường gặp của ung thư vú và ngoài khối u phổi, di căn còn gây tràn dịch màng phổi ác tính. Việc chẩn đoán phân biệt u nguyên phát và di căn rất khó khăn.

Bệnh nhân ung thư vú thường bị tràn dịch màng phổi do các tổn thương di căn. 
Di căn phổi là vị trí thường gặp của ung thư vú di căn, đứng hàng thứ hai sau di căn xương. Các tổn thương di căn khác trong lồng ngực là di căn màng phổi, trung thất và hạch vú trong. Tổn thương di căn phổi thường là khối u đặc, dưới 3cm ở vùng ngoại vi của phổi. Các di căn này thường không có triệu chứng và thường được xác định nhờ chụp X-quang. X-quang có thể phát hiện các tổn thương nhỏ vùng ngoại vi từ 2 - 3mm và phân biệt với các tổn thương lành tính. 
Các di căn thể đặc của phổi thường không đi kèm xẹp phổi hoặc hạch rốn phổi. Các tổn thương mới có vẻ giống như viêm phổi. Đặc biệt, trong các khối u nguyên phát ở phổi của nữ giới, thể ung thư biểu mô tuyến chiếm 60 - 70%. Trong khi đó, 80% tổn thương di căn phổi cũng là ung thư biểu mô tuyến, nên chẩn đoán phân biệt giữa ung thư biểu mô tuyến nguyên phát ở phổi và di căn của ung thư vú rất khó khăn. 
Vì vậy, các bệnh nhân có tiền sử ung thư vú và có tổn thương nghi ngờ ở phổi cần có chẩn đoán mô bệnh học để loại trừ các bệnh lành tính và u nguyên phát của phổi. Tùy theo tình trạng bệnh mà hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vú thường bị tràn dịch màng phổi do các tổn thương di căn làm tăng tiết dịch vào khoang màng phổi và ngăn cản sự hấp thu dịch trở lại hệ tĩnh mạch. Tràn dịch màng phổi có thể cùng bên hoặc đối bên với tổn thương vú nguyên phát và điều này có thể gợi ý về cơ chế tràn dịch. Tràn dịch đối bên thường do di căn đường máu, trong khi tràn dịch cùng bên có thể do lan tràn đường máu hoặc do xâm lấn trực tiếp từ khối u qua thành ngực hoặc tái phát. 
Tràn dịch màng phổi gây nên khó thở, ho và đau ngực. Tràn dịch màng phổi do di căn màng phổi, cần điều trị toàn thân bằng hóa trị hoặc nội tiết, có hiệu quả làm giảm sự tràn dịch. Nhìn chung ở bệnh nhân mới có di căn, tỷ lệ đáp ứng của hóa trị khoảng 10 - 40%. Điều trị nội tiết có đáp ứng 70% các bệnh nhân có thụ cảm nội tiết dương tính. Điều trị tại chỗ gồm: Chọc hút màng phổi, dẫn lưu màng phổi và làm xơ hóa hoặc mở màng phổi. Bơm hóa chất màng phổi có thể hy vọng tiêu diệt tổn thương và làm giảm tiết dịch màng phổi. 
GS.TS Nguyễn Bá Đức (Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam)

Bình luận(0)