Những trường hợp bị vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công kinh hoàng ở VN

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người") để lại những hậu quả khôn lường. Diễn biến của bệnh này rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ.

Vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công nam bệnh nhân Thái Nguyên
Tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân tên là M.V.D (45 tuổi trú tại La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên) bị mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người").
Nhung truong hop bi vi khuan “an thit nguoi” tan cong kinh hoang o VN
Nam bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ảnh: Infonet. 
Bệnh nhân bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải, đã vệ sinh và khâu vết thương, sau đó vết thương sưng nề, chảy dịch, vào viện chẩn đoán vết thương nhiễm trùng gối phải, được dùng 10 ngày kháng sinh Ceftizoxim + Tobramycin, vết thương khô nên bệnh nhân đã ra viện.
Sau 10 ngày, bệnh nhân lại phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ apxe. Bệnh nhân được phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei (sau gần 1 tháng khởi bệnh). Bệnh nhân được hội chẩn khoa Bệnh Nhiệt đới và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Sau 3 tuần, vết thương vùng gối phải khô, liền sẹo tốt, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì theo phác đồ.
3 trẻ em mắc bệnh Whitmore ở Nghệ An
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, từ tháng 7-9/2019, bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore - vi khuẩn “ăn thịt người”.
Theo đó, 3 bệnh nhân gồm em Nghiêm Thanh T. (SN 2005, trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), em Hoàng Văn Cao (SN 2009, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) và em Nguyễn Công H. (SN 2010, trú huyện Yên Thành, Nghệ An).
Nhung truong hop bi vi khuan “an thit nguoi” tan cong kinh hoang o VN-Hinh-2
3 em nhỏ mắc bệnh Whitmore điều trị tại BV Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Vietnamnet. 
Lúc nhập viện, 3 bệnh nhi đều bị áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Khi cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người).
Sau khi được điều trị 50 ngày, em T. đã xuất viện, còn 2 em C. và H. hiện vẫn đang theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng, BV Sản Nhi Nghệ An.
Bệnh nhân nữ bị vi khuẩn ăn cánh mũi
Hồi tháng 8 gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai đã điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân quê ở Thanh Hoá bị whitmore ăn cụt cánh mũi. Đây là trường hợp bệnh nhân nữ đầu tiên mắc whitmore.
Nhung truong hop bi vi khuan “an thit nguoi” tan cong kinh hoang o VN-Hinh-3
Đây là trường hợp bệnh nhân nữ đầu tiên mắc whitmore. Ảnh: Vietnamnet. 
Trước đó, bệnh nhân được tuyến dưới chẩn đoán nhiễm trùng do tụ cầu nhưng khi bác sĩ BV Bạch Mai cấy mủ, phát hiện dương tính với whitmore.
Theo đó, bệnh nhân được điều trị tấn công bằng phác đồ đặc hiệu với kháng sinh phối hợp. Sau khi tình trạng toàn thân ổn định, bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh kéo dài kết hợp với các liệu pháp điều trị của chuyên khoa tai mũi họng: Rửa vết thương, kiểm soát và xử lý các tổn thương tại mũi – họng.
Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da ở cánh mũi, chưa tổn thương xương. Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng nữa để tránh tái phát vì nếu bị lại, tỉ lệ tử vong rất cao.
Vi khuẩn ăn thịt người có thể gây tử vong trong vòng 48 giờ
Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.
Theo BS Nguyễn Thị Huyền Ngân - Khoa Tai Mũi Họng, BV Sản Nhi Nghệ An, Melioidosis, hay bệnh Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu.
Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50% - 60%. Hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển.
Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)