Có chồng, nhưng tôi thực chất là mẹ đơn thân

Google News

Tuổi thanh xuân của tôi vụt qua như một cơn gió, rất buồn, tủi phận. Mãi đến hơn 40 tuổi, tôi mới được nếm mùi đàn bà khi làm vợ của một người đàn ông hơn tôi những 15 tuổi lận.

Cha mẹ tôi mất sớm, nhà chỉ hai chị em gái. Khi em gái tôi lấy chồng, mình tôi sống trong ngôi nhà hai tầng khá rộng, tại một con phố sầm uất của Hà Nội.
Tôi tốt nghiệp một trường đại học ngoại ngữ, rồi về một cơ quan nhà nước làm ở mảng dịch thuật, xuất bản. Suốt ngày, tôi chỉ chăm chăm dán măt vào chữ nghĩa, vào máy tính. Hết giờ làm việc ở cơ quan, tôi còn dạy thêm tiếng Anh tại nhà cho các học sinh phổ thông.
Không có ai tìm hiểu và chấp nhận cái dáng dấp nhỏ con, đi lưng không thẳng, mắt lại cận dày nhiều đi-ốp, tôi cứ thế già đi, theo tuổi. Mặc nhiên, nghĩ mình là gái ế trinh nguyên đến hết đời.
Rồi một người đàn ông mất vợ, phong độ, đẹp trai, tóc đã điểm bạc, nhờ mai mối, hỏi tôi làm vợ. Tôi gật đầu vì nghĩ, đó là may mắn đã mỉm cười với mình!
Cuối cùng, sau hàng chục năm cô quạnh, tôi cũng có người bạn đời, về sống cùng dưới mái nhà do cha mẹ tôi để lại.
Chúng tôi có một đám cưới nhỏ gọn, tôi cũng mặc áo dài cô dâu để thỏa niềm mơ ước lớn nhất trong đời. Chồng tôi đồng ý không ở chung với con riêng của ông, mà chuyển hẳn về sống cùng nhà với tôi.
Rồi, tôi bất ngờ có bầu, ngoại dự tính của chồng. Vì, thực lòng, ông ấy không muốn có con, nên suốt 2 năm chung sống sau hôn nhân, ông không chia sẻ bất cứ điều gì đến chuyện có con.
Tôi có phàn nàn, ông gạt phắt đi, với lí do: Cha già con cọc!
Khi tôi có bầu, ông vẫn không đoái hoài chăm sóc gì tôi. Ngược lại, tôi tự tay bê từng bao than tổ ong lên cái chỗ nấu nướng bằng bếp lò trên sân thượng. Có lần, bê lên bê xuống cầu thang, tôi trượt chân và ngã. Chồng biết, cũng kệ!
“Không sao, không sảy thai mà may rồi”, tôi nghĩ được thế nên xem chồng như người vô hình. Tôi vẫn nai lưng ra làm việc nhà, vẫn ôm quần áo lên sân thượng để phơi. Những bữa cơm của hai người cũng nhàn nhạt, chẳng có chuyện gì vui vẻ với nhau.
Tôi lại tủi phận, oán trách sao trời lại cho mình một người đàn ông vô tâm và ích kỷ đến thế. Cái suy nghĩ không muốn có con cứ bám lấy tâm trí ông ấy. Ông ấy từng nói với tôi một câu “để đời”: “Chửa được thì tự mà đẻ!”
Cái bụng bầu ngày một to, người tôi lại thấp bé nên ai nhìn vào cũng ái ngại, đúng là chửa vượt mặt. Tôi xin nghỉ sinh trước một tháng so với ngày dự sinh vì mang bầu ở tuổi 42 đầy khuyến cáo rủi ro từ bác sĩ phụ sản đã tư vấn riêng cho tôi.
Đến ngày sinh, tôi và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vừa đúng tuyến bảo hiểm, vừa gần nhà vợ chồng em gái. Thế nên, ngày mổ đẻ, tôi được em gái cơm nước, tắm rửa, chăm con.
Tuyệt nhiên, chồng tôi không ló mặt đến bệnh viện, chỉ gọi điện hỏi thăm và có lời nhờ vả em gái tôi chăm tôi những ngày đầu. Ông ấy cũng chẳng hỏi tôi một câu: Tiền sinh đẻ có cần thêm không?
Một tháng ở cữ sau khi xuất viện về nhà, ông ấy chỉ giúp tôi cơm nước. Còn đêm hôm, con khóc quấy hay thức chơi, đều phó mặc cho tôi tất. Ông ấy cứ 11 giờ là lên giường đi ngủ, ngủ một giấc cho tới 5 giờ sáng. Ông ấy sống cuộc sống rất quy củ của một lão già tuổi 60.
Co chong, nhung toi thuc chat la me don than
Con gái tôi gọi bố đẻ là "cái của nợ của đời mẹ" (Ảnh: minh họa, nguồn: internet) 
Được cái, đứa con gái cũng cứng cáp, ít ốm vặt nên tôi cứ bình tâm nuôi con, không kêu ca với bất cứ ai. Một phần vì tính tôi chịu đựng giỏi. Một phần, tôi cũng sĩ diện vì cuộc hôn nhân muộn của mình, nếu bây giờ tỏ ra “cơm không lành canh chẳng ngọt” thì bọn trẻ lại cười vào mũi cho. Thế nên, cứ im lặng, cứ nuôi con. Ngày một, ngày hai, con gái cũng lớn lên, rồi đi nhà trẻ.
Thoắt cái, con gái tôi đã hỏi chuyện: “Mẹ ơi mẹ, tại sao bố lại không yêu con? Không chơi với con?”. Những lúc ấy, lòng dạ rối bời, tôi cố nén, nói cho con điều hay hơn thực tế: “Bố già rồi, bố mệt”.
Càng lớn, con gái tôi càng xa lánh bố. Nó ít nói chuyện với chồng tôi. Cũng ít có những biểu hiện thương yêu, gần gũi gì với ông ấy. Chắc tại vì nó nghĩ chỉ có mẹ mới là người ruột thịt với nó ngay từ khi còn nhỏ.
Tôi vẫn đang sống chung với người chồng già một cách hờ hững. Hiện, con gái tôi đã xin được học bổng đi du học tại Đức, theo ngành công nghệ sinh học. Ngày tiễn nó ra sân bay, ông ấy nói: “Sang Đức, nếu có khó khăn gì thì con báo cho bố nhé”. Nó nghe xong, chỉ nhếch mép cười. Chắc nó biết rõ, 20 năm qua nó lớn phổng phao, học hành không thua bạn bè là do đồng tiền tôi đi dạy thêm, từ lương của tôi là chủ yếu.
Vì nó thương mẹ nên cố gắng học tốt. Nó sang Đức du học, thỉnh thoảng vẫn đùa với tôi cái ý: “Lấy chồng như mẹ, thà ở vậy còn hơn”, hoặc “Mẹ ơi, cái của nợ của đời mẹ đang đi dạo phố uống nước chè đặc à?”.
Tôi cũng dễ tính, chẳng nỡ mắng con vì gọi bố là “của nợ của đời mẹ”. Con đã lớn rồi, đủ nhận thức rồi, tôi tôn trọng việc nó “định giá” bố đẻ theo cách của nó.
Tuổi 60, cặp kính cận dày cộp, tôi vẫn là bà giáo già dạy thêm tiếng Anh tại nhà. Rồi, tôi nhận thêm việc dịch thuật. Đến bữa, nấu mâm cơm chín, tôi vẫn nói với chồng một câu mà gần 20 năm nay đều nói: “Anh ăn cơm đi, kẻo nguội!”.
Theo Sam Nương/Thế Giới Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)