10 người hiến phổi cho phi công Anh, bệnh nhân 19 tự ăn được

Google News

(Kiến Thức) - Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, có 10 người tình nguyện hiến phổi cho nam phi công Anh dù không hề quen biết. Trong khi đó, bệnh nhân 19 đã giao tiếp tốt, tự ăn cơm, uống nước, tập đi lại.

Sáng 14/5, trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết 10 người đã chủ động liên hệ tới trung tâm đề nghị được hiến phổi cho nam phi công Anh mắc COVID-19. Họ đều là người Việt Nam, không quen biết bệnh nhân 91.
Trước đó, một trường hợp chết não nhóm máu O được gia đình đồng ý hiến tặng tạng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phổi của người này đã bị hỏng.
10 nguoi hien phoi cho phi cong Anh, benh nhan 19 tu an duoc
Ghép phổi là giải pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân 91. Ảnh minh họa: Internet.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sáng 14/5, tình hình phổi phải bệnh nhân 91 có hình ảnh tràn khí, nhiều B lines mặt trước dưới và bên, xẹp thuỳ sau dưới.
Phổi trái có hình ảnh tràn khí, nhiều B lines mặt trước dưới và bên, xẹp thuỳ sau dưới, dịch màng phổi phải nhiều hơn rõ so với 2 ngày trước, ước lượng 100-120 ml, dịch lợn cợn. Phổi trái nhiều B lines mặt trước, mặt bên hông, đông đặc thùy dưới. Phổi có nở rõ hơn, che một phần cửa sổ tim, không có dịch màng phổi trái.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 13/3 dịch phết mũi họng, dịch rửa phế quản, dịch màng phổi, máu, phân của nam bệnh nhân cho kết quả âm tính. Sáng nay, bệnh nhân nằm yên, an thần, dùng thuốc vận mạch liều thấp, tim co bóp đồng bộ.
Bệnh nhân tiếp tục thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi. Nam phi công đã sang ngày thứ 38 can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), tiên lượng xấu.
Hiện, kết quả CT scan phổi cho thấy, hai phổi của nam phi công đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động.
Trước đó, hội đồng chuyên môn xem xét khả năng chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép phổi. Tuy nhiên, nam phi công chưa đủ điều kiện ghép phổi và còn nhiễm trùng nặng nên tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả khoảng hơn 3 tỷ đồng chi phí điều trị cho nam bệnh nhân này. Chi phí ghép tạng dự kiến khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Với tình trạng phổi hiện tại, bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng ECMO thêm vài tuần đến vài tháng.
Một chuyên gia về truyền nhiễm nhận định ghép phổi là cơ hội cuối cùng của bệnh nhân 91. Nếu có tạng để ghép ngay, bệnh nhân có hy vọng cao. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tìm được lá phổi tương thích.

Video "Tại sao bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại?". Nguồn: VTC Now.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng nay, bệnh nhân 19 (nữ, 64 tuổi, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chuyển sang trạng thái hồi phục tốt, đã tự thở khí phòng. Bệnh nhân đã tập đi những bước đầu tiên sau hơn 2 tháng nằm một chỗ với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Bệnh nhân giao tiếp tốt, tự ăn cơm, uống nước, cơ lực cải thiện, không sốt. Bệnh nhân đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 19 là bác gái của bệnh nhân 17, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 từ ngày 7/3. Đây cũng là 1 trong 3 ca bệnh nguy kịch và là bệnh nhân có thời gian điều trị COVID-19 lâu nhất Việt Nam, từng có 3 lần ngừng tim.
Sự hồi phục của bệnh nhân 19 là niềm vui lớn của các y bác sĩ tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và đội ngũ chuyên gia thường xuyên hội chẩn. Đây là ca bệnh có diễn biến phức tạp.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)