10 mẹo tiết kiệm gây tranh cãi của chuyên gia nổi tiếng Nhật Bản

Google News

Chuyên gia tiết kiệm nổi tiếng Yoko Ogasawara (71 tuổi) chỉ tiêu 1.000 Yen (khoảng 162 nghìn đồng) mỗi ngày trong suốt 40 năm qua.

10 meo tiet kiem gay tranh cai cua chuyen gia noi tieng Nhat Ban
Bà Yoko Ogasawara nổi tiếng với những mẹo tiết kiệm tiền được đăng trên các tạp chí và sách. Ảnh: Fujinkoron 
'Tiết kiệm' trở thành từ khóa quan trọng trong 2 năm qua sau khi đại dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong khi nhà nhà chật vật “thắt lưng buộc bụng” thì chuyên gia tiết kiệm nổi tiếng ở Nhật Bản, cụ bà 71 tuổi Yoko Ogasawara vẫn chỉ tiêu 1.000 Yen (khoảng 162 nghìn đồng) mỗi ngày trong suốt 40 năm qua.
Giá cả ở Nhật vô cùng đắt đỏ, một bát mì ramen bình thường cũng có giá 600 Yen. Vì thế, mức chi tiêu 1.000 Yen/ngày của bà Ogasawara là vô cùng tiết kiệm.
Chưa tính các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, điện nước... để sống ở Tokyo, bà chỉ chi 31.000 Yen (hơn 5 triệu đồng) một tháng, trong khi trung bình, một người sống ở Thủ đô của Nhật Bản cần khoảng 73.705 Yen (gần 12 triệu đồng) một tháng.
Lối sống của bà Ogasawara đôi khi cũng bị đánh giá là “hà tiện” quá mức.
Nhưng ngược lại, rất nhiều người ngưỡng mộ và xin bà lời khuyên về cách tiết kiệm tiền. Bà từng xuất hiện trên các tạp chí cũng như xuất bản nhiều cuốn sách dạy mọi người cách tiết kiệm. Mới đây, bà đã chia sẻ 10 mẹo tiết kiệm tiền trên truyền hình.
1. Trực tiếp dùng cốc để pha trà
Thông thường, người ta dùng ấm pha trà rồi rót vào cốc để uống, nhưng bà Ogasawara trực tiếp đổ lá trà vào tách trà để pha, nhằm tiết kiệm chi phí nước vệ sinh ấm trà.
2. Chỉ dùng giấy cuộn cho sinh hoạt
Ở Nhật Bản, giấy cuộn thường được sử dụng làm giấy vệ sinh. Còn trong các sinh hoạt hằng ngày khác, người ta dùng giấy rút hoặc giấy đóng trong gói. Để tiết kiệm, bà Ogasawara sử dụng giấy cuộn trong mọi sinh hoạt.
Theo bà, một cuộn giấy có thể được sử dụng gần 300 lần, không chỉ rẻ hơn mà còn có thể kiểm soát được độ dài cần sử dụng, tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với các loại giấy khác.
3. Thay thế giấy ghi chú bằng giấy bỏ đi
Đừng vứt bỏ các biên lai khi mua sắm. Hãy thu thập chúng lại với nhau. Mặt trắng đằng sau có thể sử dụng để ghi chép việc hàng ngày.
4. 'Vắt kiệt' các tuýp kem, sữa rửa mặt
Khi sữa rửa mặt, kem đánh răng, kem dưỡng da… sắp hết, bạn có thể không bóp thêm được nữa dù bên trong vẫn còn khá nhiều. Bạn hãy cắt chúng ra để dễ lấy và sử dụng tiếp.
Nhiều người cũng sử dụng cách này, nhưng đừng để quá lâu sau khi cắt. Tốt nhất nên sử dụng nó càng sớm càng tốt.
5. Dùng tờ rơi quảng cáo làm khăn trải bàn
Những tờ rơi quảng cáo đồ ăn bạn nhận được khi đi đường có thể dùng làm tấm lót bàn khi bạn mang về nhà. Mẹo này giúp tiết kiệm tiền mua khăn trải bàn và chi phí nước giặt khăn.
6. Để riêng tiền tiết kiệm
Bạn nên để riêng số tiền bạn không định tiêu đến, hoặc gửi nó vào một tài khoản khác để nhắc nhở bản thân không chi tiêu bừa bãi.
7. Lên danh sách trước khi mua sắm
Trước khi ra ngoài mua đồ, bà Ogasawara đều lập danh sách mua sắm - viết ra những thứ cần mua. Những thứ không được viết ra, bà sẽ không mua dù bất chợt cảm thấy thích nó.
Bà tin rằng, tiết kiệm tiền có nghĩa là tiêu tiền vào những thứ cần thiết và từ bỏ một số thứ không cần thiết.
8. Đi bộ thật nhanh khi đi siêu thị
Theo bà, cần phải đi thật nhanh khi đi ngang qua những khu vực hàng hóa không định mua. Đó là cách để bạn không có cơ hội la cà hay bị hấp dẫn bởi những món đồ không cần thiết.
9. Trả lại một mặt hàng trước khi thanh toán
Trước khi thanh toán, như một thói quen, bà Ogasawara buộc mình phải trả lại một món đồ trong giỏ hàng để có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Đó cũng là cách để bà nghĩ lại thật kỹ một lần nữa, xem liệu nó có cần thiết hay không.
10. Không tốn tiền mua gia vị
Bạn có thể giữ lại những gói gia vị khi ăn mì gói, đồng thời cũng có thể mang gia vị từ các nhà hàng về để sử dụng khi nấu ăn. Nhờ cách này, bà Ogasawara chưa bao giờ phải mua gia vị.
Ngoài ra, bà Ogasawara còn nhiều cách tiết kiệm khác khá gây tranh cãi. Có những người cho rằng cách sống của bà thật thông minh, nhưng cũng nhiều người cho rằng để cuộc sống có niềm vui thì không cần phải sống vất vả như vậy.
Tất nhiên, các mẹo tiết kiệm tiền của bà Ogasawara không phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện và quan điểm của mình.
Bản thân bà Ogasawara rất vui khi sử dụng một cách hiệu quả giá trị của 1.000 Yen mỗi ngày, đồng thời việc tiết kiệm cũng khiến bà trân trọng cuộc sống trong từng phút.
Theo Đăng Dương/Vietnamnet.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)