Phát hiện người tiền sử ăn thịt đồng loại với ớt và gia vị vừa được đăng tải trong một bài viết đăng trên tuần báo khoa học Archaeometry. Các nhà khoc học đã phát hiện ra điều này khi quan sát màu sắc của những mảnh xương người cổ xưa, đã bị các gia vị trên làm cho biến màu vĩnh viễn.
Nhóm các nhà nghiên cứu, từ Đại học Ciudad ở Mexico và Complutense ở Madrid, đã nghiên cứu di cốt của 18 người ở Tlatelcomila, một di chỉ khảo cổ gần thủ đô Mexico.
Chúng gồm các mảnh xương sọ và nhiều loại xương dài khác, có niên đại khoảng năm 700 tới 500 trước Công nguyên.
Các mảnh xương này có nhiều viết cắt, bộc lộ dấu hiệu đã trải qua nhiệt độ lớn. Đây là những bằng chứng cho thấy hoạt động ăn thịt người có tồn tại ở Tlatelcomila.
Nhưng điều khiến các nhà khoa học quan tâm hơn là những màu đỏ và vàng xuất hiện trên các mảnh xương. Chính các màu này đã giúp họ lần ra manh mối về việc những bộ tộc ăn thịt người cổ xưa tiến hành chuẩn bị và nấu nướng “thức ăn” ra sao.
“Những màu sắc này đã hình thành trước khi xương bị đem đi chôn, có thể qua tác động của nhiệt hoặc nhờ được phủ bởi một số chất hữu cơ” – họ viết trong nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát cấu trúc vi mô của, hình thái học và bề mặt xương. Sử dụng kỹ thuật chụp X-quang và kính hiển vi điện tử trong quá trình nghiên cứu, họ còn nhận ra xương nào đã từng bị nướng và xương nào bị luộc.
Với những mảnh xương từng bị luộc, bề mặt xương thể hiện sự đồng nhất và không thấy các vết đen thoái hóa bất thường (giống như xương đã bị nướng trên lửa)
Họ tin rằng xương có màu đỏ tươi thuộc về những nạn nhân đã bị nướng chín trên lửa. Màu đỏ hình thành từ nước thịt và máu, đã ngấm vào trong xương khi nhiệt độ tăng lên.
Trong khi đó xương có màu vàng dường như đã qua luộc. Màu vàng hình thành từ gia vị annatto, giống cây nghệ tây và gia vị pipián. Những thứ gia vị này vẫn còn được sử dụng cho tới tận giờ, trong loại sốt mole nổi tiếng ở Mexico.
Để chứng minh cho kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã luộc xương bò trong nước annatto. Kết quả là khúc xương có màu giống như xương người tìm thấy ở Tlatelcomila.
“Màu sắc bề mặt của các khúc xương Tlatelcomila từng bị luộc đã hình thành nhờ sự kết hợp giữa nhiệt độ, thời gian nấu và thành phần nguyên liệu có trong nồi súp lỏng” – nghiên cứu viết.
|
Xương người được phát hiện trong hố khảo cổ ở Mexico |
Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó cho thấy những kẻ ăn thịt người ở Mexico đã dùng chung công thức tẩm ướp này để làm một số món ăn khác không có thịt người.
Nghiên cứu không chỉ ra nhóm người nào chịu trách nhiệm thực hiện hành vi này. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên người ta tìm thấy bằng chứng về hoạt động ăn thịt người ở Mexico.
Năm 2011, các nhà khoa học cũng tìm thấy một số mảnh xương người có dấu hiệu đã qua nấu nướng. Kiểm tra cho thấy các mảnh xương này có niên đại rơi vào khoảng năm 1425. Các mảnh xương ở Tlatelcomila có niên đại còn cổ hơn thế, cho thấy hoạt động ăn thịt người đã có lịch sử rất dài.
Vào thời điểm phát hiện ra các mảnh xương của nạn nhân bị ăn thịt hồi năm 2011, nhà khảo cổ José Luis Punzo thuộc Viện Nhân chủng học và Lịch sử Mexico nói rằng hoạt động ăn thịt người là “một khía cạnh quan trọng trong bản sắc văn hóa” của những người cổ đại.
“Thông qua các nghi thức, qua hoạt động ăn thịt người và tích trữ xương của nạn nhân, họ đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa “bọn chúng nó” và “chúng ta”” – ông cho biết.
Được biết một bộ tộc cổ ở Mexico có tên Xiximes thường ăn thịt người vì mục đích tâm linh. Họ tin rằng họ sẽ có mùa màng bội thu nếu ăn linh hồn và thể xác của kẻ thù – thường là những người thuộc bộ tộc khác sống gần đó – rồi treo xương họ lên cây để hiến tế các hồn ma.
Vì thế, sau mỗi vụ thu hoạch ngô, các chiến binh Xiximes lại đi săn thịt người. Nạn nhân bị họ phục kích và tấn công thường là những người làm việc một mình, sâu trong các khu rừng.